LÂM ĐỒNG TẠO ĐỘT PHÁ NHỜ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
- Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới và thực hiện liên kết với người dân tạo nên nhiều chuỗi nông sản có giá trị cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như rau, hoa, chè, cà phê, cá nước lạnh...
Phát triển sản xuất NNCNC làm gia tăng giá trị nông sản của tỉnh Lâm Đồng |
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là những loại nông sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và nhiệt đới, cây công nghiệp dài ngày, bò sữa, cá nước lạnh. Tổng diện tích canh tác 278.154 ha, diện tích gieo trồng 383.098 ha (cây hàng năm 126.063 ha, cây lâu năm 256.294 ha).
Từ năm 2015 đến nay tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án (tái canh cà phê; nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; đề án nhận diện khoai tây; đề án phát triển bò sữa, bò thịt,…). Trong đó, chương trình NNCNC là một trong những chương trình trọng tâm để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển sản xuất NNCNC đã tạo bước đột phá trong ngành nông nghiệp của tỉnh, đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao phát triển tăng nhanh như hệ thống nhà kính điều khiển tự động đồng bộ, công nghệ nuôi cấy mô, nuôi cấy đỉnh sinh trưởng, hệ thống máy phân loại sản phẩm; công nghệ IoT...
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2018 đạt 54.477 ha (chiếm19,5% diện tích canh tác), trong đó rau 19.700 ha, hoa 3.800, cà phê 20.800 ha, chè 6.335 ha, cây ăn quả 300 ha, cây đặc sản, dược liệu 210 ha, bò sữa 19.800 con, hình thành liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ổn định trên 90% sản lượng. Giá trị sản xuất NNCNC đạt 370 triệu đồng/ha, chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha.
NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng được mở rộng về quy mô, địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đều đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được lan tỏa đến bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc với diện tích 1.695 ha, chiếm 3,1% diện tích NNCNC của tỉnh, gồm 43 ha nhà kính,7 ha nhà lưới, 1.645 ha tưới tự động và sửdụng màng phủ nông nghiệp.
Các công nghệ dần được nghiên cứu, ứng dụng trên các loại cây trồng, vật nuôi mới với nhiều cách làm sáng tạo, cho hiệu quả cao. Diện tích nhà kính đạt 4.400 ha,50 ha canh tác thủy canh hiện đại; tăng việc sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm sinh học hằng năm trên 15%, nhiều loại phân bón thế hệ mới như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh... được người dân ứng dụng trong canh tác cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh hình thành 19 vùng sản xuất NNCNC được Sở NN&PTNT thẩm định; 2 vùng đã được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất NNCNC gồm: Làng hoa Thái Phiên với quy mô 150 ha, chuyên sản xuất hoa cúc, hoa lily; làng hoa Vạn Thành với quy mô 158 ha, chuyên sản xuất hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền.
Liên kết sản xuất NNCNC gia tăng giá trị sản phẩm
Toàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNCNC, canh tác trên 385 ha, chủ yếu là rau, hoa; 5 doanh nghiệp, trang trại được chứng nhận canh tác hữu cơ với diện tích 20 ha; 31 HTX, 59 trang trại sản xuất NNCNC và có 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất NNCNC.
Đến nay, toàn tỉnh có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 40 HTX, 42 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 14.325 hộ nông dân (gồm 62 chuỗi rau, 4 chuỗi quả, 19 chuỗi chè, 13 chuỗi cà phê, 5 chuỗi dược liệu, 5 chuỗi hoa, 4 chuỗi lúa, 1chuỗi mắc ca, 5 chuỗi heo, 3 chuỗi bò sữa, 2 chuỗi gà – trứng gà, 1 chuỗicá tầm và 1 chuỗi chăn nuôi). Phần lớn nông dân liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm, có hợp đồng liên kết lâu dài.
Kết quả trên cho thấy việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với ổn định tiêu thụ nông sản thông qua xây dựng chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu của thị trường. Từ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nhiều HTX tham gia vào quản lý, điều hành chuỗi; việc tham gia của các tổ hợp tác vào việc sản xuất tiêu thụ rau, thịt heo cũng chiếm một số lượng tương đối. Từ các tổ hợp tác này, có thể phát triển, nâng cấp thành HTX hoặc doanh nghiệp.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh xây dựng và công nhận vùng NNCNCvới mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ cao để sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực tại địa phương; xác định liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm NNCNC là nhiệm vụ trọng tâm để mở rộng quy mô vùng, liên kết phát triển vùng theo hướng bền vững.
Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019-2023 theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển NNCNC.
Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mở rộng và phát triển các loại hoa trang trí, chuyển biến và phát triển mạnh các loại rau hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng đối với cây ăn quả, cây cà phê... để đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung phát triển các trung tâm sau thu hoạch, trung tâm giao dịch hoa, các chợ đầu mối rau theo hướng tiếp cận đa ngành để tăng giá trị và chất lượng nông sản sau thu hoạch…