Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

CÁC LOẠI SÂU BỆNH HẠI THƯỜNG GẶP Ở BÍ ĐAO VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Bí đao, còn được biết đến với các tên gọi như bí phấn hay bí trắng, thuộc vào họ bầu bí. Cây bí đao thường mọc dạng dây leo và có thể trồng dọc giàn hoặc lan ra trên mặt đất tương tự như các loại dưa khác. Quả của nó được sử dụng như một loại rau trong nấu ăn. Bí đao là một trong những giống rau màu phổ biến ở nước ta, phù hợp với điều kiện khí hậu và đem lại lợi ích kinh tế quan trọng cho người nông dân. Tuy nhiên, các loại cây trong họ bầu bí dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Để đạt được năng suất và chất lượng tốt nhất khi trồng bầu bí, người nông dân cần phải hiểu rõ về các loại sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ phù hợp. Dưới đây là các sâu bệnh hại thường gặp ở bí đao và các biện pháp phòng ngừa chúng.

CÁC LOẠI SÂU HẠI

1. Bọ trĩ

  • Đặc điểm nhận biết: 

- Con trưởng thành cơ thể dài từ 0,8 - 1mm, màu vàng nhạt, vàng đậm hoặc hơi nâu, mắt đen, đuôi cánh hẹp. 

- Trứng có hình hạt đậu ban đầu màu trắng sữa khi gần nở chuyến sang vàng nhạt. 

- Bọ trĩ non không có cánh, hình dạng giống bọ trĩ trưởng thành, màu vàng nhạt, xanh nhạt, mắt đỏ, phần đuôi có túi phân màu đỏ tươi. 

  • Biểu hiện:

- Trên lá: Bề mặt lá xuất hiện các lốm đốm vàng, trắng bất định; lá biến màu, nhăn nheo. Bệnh nặng lá có thể khô và rụng. 

- Trên đọt non: Đọt non biến màu, xoắn lại, không phát triển và không có khả năng phục hồi.

  • Hậu quả:

- Bọ trĩ chích hút vào cây làm cây bí đao còi cọc, phát triển kém, hoa rụng, trái ít, kém chất lượng. 

- Bọ trĩ gây hại khi cây còn non có thể khiến cây ngừng phát triển, cuối cùng là chết. 

- Cây bí đao bị bọ trĩ gây hại rất dễ nhiễm bệnh virus nguy hiểm như khảm, có thể làm giảm năng suất từ 60% - 70% nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời.

  • Phòng ngừa:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật của mùa trước. 

- Trồng cây với mật độ thích hợp, không trồng quá dày, kết hợp với việc dọn dẹp vườn thường xuyên. 

- Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý bọ trĩ đúng lúc.

2. Rầy mềm

  • Đặc điểm nhận biết:  

- Dạng không cánh: Cơ thể khoảng từ 1,5 - 1,9mm. Thân màu xanh đen, xanh thẫm hoặc vàng xanh và được bao phủ bởi một lớp sáp. 

- Dạng có cánh: Cơ thể dài 1,2 - 1,8mm. Đầu và ngực có màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt hoặc xanh đậm, phiến lưng ngực trước và ống bụng có màu đen

  • Biểu hiện:

- Rầy mềm thường xuất hiện đầu tiên ở mặt dưới của lá, khi mật độ rầy lớn sẽ gây hại lên cả chồi, hoa và trái non. 

Trên lá: Rầy tấn công làm lá xoăn lại, đọt bí đao nhăn nheo, chùng xuống, không phát triển được. Trên lá của cây bị rầy mềm chích hút nhựa, có thể xuất hiện một lớp nấm mốc màu đen. 

Trên hoa: Rầy chích hút vào hoa làm cho hoa biến dạng, không đậu quả. 

Trên trái: Rầy tấn công lên trái làm cho trái bí đao không phát triển được, trái biến méo mó, thậm chí có thể rụng.

  • Hậu quả:

- Rầy mềm tấn công làm lá bí đao khô, cây còi cọc, phát triển kém thậm chí gây chết cây. Cây bí đao bị rệp chích hút cho ít hoa, ít trái, trái nhỏ, chất lượng kém. 

- Chất thải của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển, cản trở quá trình quang hợp của cây, làm cây suy yếu, dễ nhiễm các bệnh về nấm, vi khuẩn. 

- Ngoài ra, cây bí đao bị rầy mềm chích hút có khả năng cao bị nhiễm các bệnh virus nguy hiểm như khảm vàng lá

  • Phòng ngừa:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật của mùa trước. 

- Trồng cây với mật độ thích hợp, không trồng quá dày, kết hợp với việc dọn dẹp vườn thường xuyên. 

- Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý rầy mềm hiệu quả, đúng lúc.

3. Sâu vẽ bùa

  • Đặc điểm nhận biết:

- Trứng nằm bên dưới bề mặt lá, có màu trắng, hình elip. 

- Sâu vẽ bùa có màu trắng kem, sau đó chuyển sang xanh lục, cuối cùng là màu vàng. 

- Nhộng có màu nâu bóng, thường dính trên lá hoặc rơi xuống đất. 

- Sâu vẽ bùa trưởng thành là loài ruồi có thân dài 1,3 - 1,5mm, cánh trước dài 1,7 - 2,25mm, lưng màu đen bóng, phần ngực màu vàng, bụng và chân có nhiều lông.

  • Biểu hiện:

- Sâu vẽ bùa gây hại chủ yếu trên lá, từ lúc cây mới mọc lá mầm cho đến khi ra hoa tạo trái. 

- Trên lá cây xuất hiện những đường ngoằn ngoèo, màu trắng. Sâu gây hại nặng, các đường này sẽ liên kết lại với nhau, tạo thành từng mảng lớn, khiến cho lá bị khô và chết

  • Hậu quả:

- Sâu vẽ bùa gây hại khiến lá khô, rụng, giảm khả năng quang hợp của cây, cây bị mất sức, còi cọc, sinh trưởng và phát triển kém. 

- Các vết thương trên lá do sâu vẽ bùa gây ra tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập và có thể khiến cây bị bệnh. 

- Sâu vẽ bùa thường gây hại mạnh trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng của cây nếu không phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời sẽ giảm năng suất cây, cây cho ít trái, trái nhỏ, không đạt chất lượng.

  • Phòng ngừa:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật của mùa trước. 

- Trồng cây với mật độ thích hợp, không trồng quá dày, kết hợp với việc luân canh các cây trồng khác họ. 

- Sử dụng bẫy dính màu xanh hoặc vàng để thu hút, tiêu diệt sâu vẽ bùa trưởng thành.

4. Ruồi đục trái

  • Đặc điểm nhận biết:

- Trứng có hình hạt gạo, màu trắng sữa đến vàng nhạt. 

- Dòi mới nở dài khoảng 1,5mm, dòi trưởng thành dài 6 - 8mm, màu vàng nhạt, miệng có móc, hóa nhộng trong đất. 

- Nhộng dài hình oval, lúc đầu màu vàng nâu, sau đó chuyển thành nâu đỏ. 

- Ruồi đục trái trưởng thành có cơ thể dài 6 - 9mm, sải cánh rộng 1,3mm, đầu hình bán cầu, thân và đầu có màu nâu đỏ, trên thân có những vân màu vàng.

  • Biểu hiện:

- Ruồi đục trái thường đẻ trứng và phá hoại mạnh từ khi cây bí đao đậu trái cho tới lúc thu hoạch. 

- Ruồi đục vào trong trái để đẻ trứng, vết đục của ruồi ban đầu là 1 chấm nhỏ, màu đen, sau đó lớn dần chuyển sang vàng và cuối cùng là nâu. Bề mặt vỏ nơi ruồi đục có nhựa, ứ ra. 

- Khi cắt, bổ trái bí đao ra phát hiện bên trong trái có dòi (ấu trùng của ruồi đục trái) và các đường hầm vòng vèo do dòi đục.

  • Hậu quả: 

- Ruồi đục vào trái non làm cho trái thối, rụng, không thu hoạch được. Nếu ruồi gây hại nặng có thể gây rụng trái hàng loạt, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của người nông dân. 

- Ruồi đục vào trái già làm giảm giá trị thương phẩm, khó hoặc không tiêu thụ được đặc biệt là không xuất khẩu được, hiệu quả kinh tế của người nông dân bị giảm sút nghiêm trọng

  • Phòng ngừa: 

- Cày sâu, phơi ải, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng, thu gom, tiêu hủy các các trái bị thối, dị dạng, rụng sớm,.. - Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện ruồi đục trái và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế mức tối thiểu thiệt hại

CÁC LOẠI BỆNH HẠI

1. Bệnh phấn trắng 

  • Nguyên nhân gây bệnh:

- Do nấm Podosphaera xanthii gây ra. 

- Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống và tàn dư của cây bệnh ở mùa trước, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ phát tán và lây lan nhờ không khí và gió. 

- Bệnh phát triển và gây hại mạnh khi độ ẩm không khí cao, nhiệt độ dao động từ 20 C – 24 C.

  • Biểu hiện:

- Bệnh phấn trắng gây hại và biểu hiện chủ yếu trên lá của cây bí đao, đặc biệt là ở mặt trên của lá. 

- Vết bệnh là những đốm nhỏ có màu xanh hơi vàng được phủ một lớp nấm xám dày như phấn, sau đó lan rộng ra, bao phủ toàn bộ phiến lá. 

- Bệnh nặng lá sẽ chuyển sang vàng, khô cháy, cuối cùng là rụng.

  • Hậu quả:

- Bệnh phấn trắng làm vàng lá, rụng lá, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ của cây. 

- Cây bí đao bị bệnh sẽ sinh trưởng, phát triển kém, cho năng suất thấp; nếu bệnh không được xử lý kịp thời sẽ gây thiệt hại nặng nề đến thu nhập và kinh tế của người nông dân.

  • Phòng bệnh:

- Chọn mua hạt giống, cây giống sạch bệnh. 

- Trước khi gieo trồng cần xử lý hạt giống, vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Bệnh sương mai

  • Nguyên nhân gây bệnh:

- Do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. 

- Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư của cây trồng nhiễm bệnh ở vụ trước, lây lan nhờ, gió và các giọt nước. 

- Bệnh phát triển và gây hại mạnh khi độ ẩm không khí cao, mưa nhiều, nhiệt độ dao động từ 18 - 22 C.

  • Biểu hiện: 

- Mặt trên của lá: Vết bệnh không có đường viền rõ ràng, không có hình dạng nhất định, ban đầu là những chấm nhỏ, màu xanh nhạt sau đó lớn dần và chuyển sang vàng, cuối cùng là nâu.

- Mặt dưới của lá: Xuất hiện những đốm tơ mịn màu trắng như phấn.

  • Hậu quả:

- Bệnh gây hại làm lá héo úa, rụng sớm, khả năng quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ của cây giảm. 

- Cây nhiễm bệnh thấp, còi cọc, cho quả nhỏ, chất lượng quả kém, năng suất giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người trồng.

  • Phòng bệnh: 

- Chọn giống sạch bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo trồng. 

- Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Gieo, trồng với mật độ hợp lý. 

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Bệnh nứt thân chảy nhựa

  • Nguyên nhân gây bệnh: 

- Do nấm Didymella bryoniae (hay còn có tên gọi khác là Mycosphaerella melonis) gây ra. 

- Nấm bệnh tồn tại trong đất và tàn dư thực vật và thường phát sinh khi gặp thời tiết nóng và mưa nhiều. 

- Bệnh gây hại mạnh khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, nhiệt độ dao động từ 20 - 30 C.

  • Biểu hiện:

-  Nấm bệnh gây hại chủ yếu ở thân, lá và đôi khi tấn công cuống trái của cây bí đao.

- Trên lá: Vết bệnh có màu vàng nâu đến nâu sẫm, xuất hiện đầu tiên ở mép lá sau đó lan dần vào bên trong. Trên vết bệnh có các hạt nhỏ màu đen gọi là bào tử nấm.

- Trên thân: Vết bệnh ban đầu hình bầu dục, có màu nâu nhạt sau đó chuyển sang màu nâu xám đến đen, thân cây nứt ra kèm theo dịch nhựa.

  • Hậu quả: 

- Bệnh nứt thân chảy nhựa gây hại làm lá bí đao héo rũ sau đó chết ảnh hưởng xấu đến khả năng quang hợp của cây. 

- Bệnh gây hại nặng sẽ làm cho thân cây nứt nẻ, khô, gãy đổ, cuối cùng cây chết. 

- Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn của cây bí đao. Nếu không phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng.

  • Phòng bệnh: 

- Chọn giống sạch bệnh. 

- Trước khi gieo trồng cần xử lý hạt giống, xử lý đất vệ sinh đồng ruộng; dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời đồng thời kết hợp xen canh với cây trồng khác họ để hạn chế dịch bệnh gây hại.

4. Bệnh xoăn lá

  • Nguyên nhân gây bệnh:

- Do virus Mosaic gây ra. 

- Các côn trùng chích hút như rệp, bọ trĩ,... chích hút, làm môi giới truyền virus gây hại cho cây trồng. 

- Nhiệt độ cao, vườn khô hạn là điều kiện thuận lợi cho côn trùng môi giới sinh sôi và truyền bệnh cho cây

  • Biểu hiện:

- Trên lá: Bề mặt lá xuất hiện các lốm đốm nhỏ, màu xanh, vàng, đậm, nhạt loang lổ, sau đó lan rộng ra làm cho lá nhăn nheo; đọt non và lá xoắn lại. 

- Trên thân: Đốt thân ngắn, cây chùng xuống, lùn, còi cọc, phát triển kém.

  • Hậu quả: 

- Cây con: Ngừng phát triển. 

- Cây trưởng thành: Lá biến dạng, xoắn lại, đọt bị sượng, chậm phát triển. Cho hoa ít, không đậu quả, hoặc quả nhỏ, xấu xí, không đạt chất lượng. 

- Bệnh khảm virus khiến cây bí đao bị thoái hóa, làm giảm sức sống, chất lượng trái kém, khó tiêu thụ. Nếu bệnh xuất hiện và gây hại sớm có thể làm giảm 80-100% năng suất của cây bí đao.

  • Phòng bệnh: 

- Sử dụng các giống kháng bệnh. 

- Trước khi gieo trồng cần vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện côn trùng môi giới gây hại và có biện pháp xử lý kịp thời

5. Bệnh đốm lá

  • Nguyên nhân gây bệnh:

- Do vi khuẩn Pseudomonas syringae pv. lachrymans gây nên. 

- Vi khuẩn tồn tại trong đất, tàn dư thực vật, lây lan qua giống, các vết thương cơ giới,... 

- Bệnh phát sinh và gây hại mạnh khi nhiệt độ dao động từ 20 - 25 C, độ ẩm không khí lớn hơn 85%.

  • Biểu hiện: 

- Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bí đao. Bệnh thường xuất hiện quanh năm nhưng gây hại mạnh nhất vào mùa mưa, từ thời kỳ ra hoa đến thời kỳ mang trái.

- Trên lá: Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ có màu nâu có viền vàng sau đó lan rộng thành những hình dạng góc cạnh bất định. Sau đó, vết bệnh chuyển sang màu xám sau đó khô, cuối cùng rách, thủng lỗ, lá cây xơ xác.

  • Hậu quả:

- Bệnh đốm lá gây hại làm lá bí đao khô, rách; khả năng quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ giảm, cây bí đao xơ xác. 

- Cây bí đao nhiễm bệnh làm cho chất lượng, số lượng trái giảm. Trái bí nhỏ, không đủ trọng lượng, ảnh hưởng đến kinh tế của người nông dân.

  • Phòng bệnh: 

- Chọn mua hạt giống, cây giống sạch bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo trồng 

- Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Bệnh thán thư

  • Nguyên nhân gây bệnh:

- Do nấm Colletotrichum lagenarium gây ra. 

- Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư của cây bệnh ở mùa trước, phát tán và lây lan nhờ gió và các giọt nước. 

- Bệnh phát triển và gây hại mạnh khi thời tiết nóng, mưa nhiều, nhiệt độ dao động từ 22 C – 27 C. Tưới nước quá nhiều lên bề mặt lá cũng là nguyên nhân gây nên bệnh thán thư.

  • Biểu hiện: 

- Trên lá: Xuất hiện những đốm tròn màu vàng nhạt, sau đó chuyển sang nâu sẫm, có các đường đồng tâm. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau tạo thành hình dạng bất định, khô và rách. 

- Trên thân: Vết bệnh màu vàng sau đó chuyển thành đen, lõm, có lớp phấn dày màu hồng phía trên. Vết bệnh nứt ra khi thời tiết khô và thối khi thời tiết ẩm ướt. 

- Trên trái: Vết bệnh lõm, có hình tròn, màu nâu đen; giữa vết bệnh nứt ra. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, ăn sâu vào trong trái.

  • Hậu quả:

- Bệnh gây hại làm lá khô, rụng, cây giảm khả năng quang hợp nghiêm trọng. 

- Trái bí đao nhiễm bệnh có phẩm chất kém, thậm chí thối, không thể tiêu thụ được. 

- Bệnh thán thư nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ làm cây bí đao chậm phát triển, thậm chí dẫn đến chết cây, ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người trồng.

  • Phòng bệnh: 

- Chọn giống sạch bệnh, trước khi gieo trồng. 

- Xử lý hạt giống vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ, rác, tàn dư của cây trồng ở vụ trước. 

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.

Trên đây là các loại sâu bệnh hại thường gặp ở cây bí đao, liên hệ FAMSEEDS để được tư vấn hạt giống bí đao chất lượng nhé!

Danh mục tin tức