Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC BÔNG CẢI TRẮNG (SÚP LƠ)

Giới thiệu

  • Xuất xứ: Nhật Bản
  • Hình dạng: Bông tròn đầy, trắng tuyết, mịn, không bị rỗ mặt
  • Đặc điểm: Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, tán cây to, chống chịu sâu bệnh tốt
  • Thời vụ trồng: có thể trồng quanh năm ở vùng có khí hậu mát mẻ, miền Bắc tốt nhất là vụ Đông Xuân, nhiệt độ thích hợp: 20 - 32 độ C.

Súp lơ xanh đến mùa thu hoạch xanh tươi, ngon, mịn

Hướng dẫn trồng và chăm sóc bông cải trắng

1. Chuẩn bị đất trồng

- Nên trồng trên đất tơi xốp, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát, đất giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Trồng ở nơi có nhiều ánh sáng thoáng mát, vùng đất không bị trũng nước hay quá khô cằn.

- Vệ sinh vườn, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trồng trước, rải vôi cày xới kỹ sâu khoảng 20-25 cm. Làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp. Lên luống rộng 1 – 1.2 m, cao 15 – 20 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm.

2. Xử lý hạt giống

Ngâm vào nước ấm pha 2 sôi 3 lạnh trong 35-30 phút để vỏ hạt mềm ra rồi đem gieo.

Cây súp lơ xanh con sau khi được gieo hạt

3. Gieo trồng

* Chuẩn bị cây giống: Có thể gieo vào bầu ươm, khay ươm hoặc gieo xuống đất vườn ươm.

- Gieo vào khay/ bầu:

  • Giá thể là hỗn hợp một số vật liệu chính gồm: 30% xơ dừa đã qua xử lý, 30% phân chuồng hoai mục, 40% đất. Cho đầy giá thể vào khay và nén nhẹ.
  • Ấn nhẹ lỗ trên khay/bầu sâu tầm 1 – 1.5cm, gieo mỗi lỗ 1 – 2 hạt, phủ 1 lớp đất mỏng trên bề mặt hạt. Sau đó dùng trấu hoặc rơm rạ phủ lên bề mặt khay. Không để khay trực tiếp lên mặt đất, cho lên giàn cao 20 – 25cm. Để khay nơi khô thoáng, nhiều ánh sáng mặt trời, giữ ẩm khay ươm thường xuyên.

- Gieo trên vườn ươm: 

  • Đất vườn ươm phải là đất chuyên gieo ươm, tơi xốp, sạch cỏ dại, cao ráo thoát nước tốt, không có nguồn sâu và bệnh hại. Làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp, lên luống rộng 1m, cao 25-30 cm, rãnh luống 0,3m. Rạch hàng sâu 1 – 2cm, hàng cách hàng 10cm. 
  • Bón lót phân hữu cơ hoai mục, rải đều phân trên mặt luống, đảo đều đất và phân. Lấy đất ở rãnh phủ lên mặt luống.
  • Gieo hạt đều trên mặt luống. Hoặc rạch hàng sâu 1 – 2cm, hàng cách hàng 10cm và gieo đều tay. Gieo xong phủ mặt luống bằng một lớp đất mỏng, phủ 1 lớp mỏng rơm rạ hoặc trấu, sau đó dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Giữ ẩm liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày sau gieo hạt sẽ nảy mầm. Che mưa và che nắng cho vườn ươm.

Khi cây có 4 – 5 lá thật (khoảng 18 - 25 ngày sau gieo) thì nhổ đem trồng, loại bỏ cây bệnh, cây xấu.

Khoảng cách trồng: Lên luống rộng 1 – 1.2 m, cao 15 – 20 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm. Trồng cây với khoảng cách hàng cách hàng 50 - 60cm, cây cách cây 40 – 50cm. Mật độ từ 3.300 – 4.000 cây/1.000m2. Lượng giống cần thiết: 20 - 30g/1.000m2. 

Trồng vào buổi chiều. Trồng xong nén đất chặt tay, tưới đẫm nước cho cây.

4. Chăm sóc

* Tưới nước: 

- Cây súp lơ ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Nên áp dụng tưới rãnh hoặc tưới nhỏ giọt. Nếu tưới rãnh thì sau khi mặt đất đã thấm nước đều phải tháo sạch nước, hạn chế đọng nước trên rãnh. Thoát nước kịp thời tránh ngập úng.

- Sau khi gieo hạt phải tưới nước 1 -2 lần mỗi ngày trong 3-5 ngày đầu, tưới vào sáng sớm và chiều mát. 

- Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cách một ngày tưới một lần. Không nên tưới nhiều vào giai đoạn 1- 2 lá thật, nếu ẩm quá ở giai đoạn này cây dễ bị chết, lở cổ rễ. 

- Trước khi nhổ trồng khoảng 3-4 ngày, hạn chế tưới nước để cây dễ thích nghi. Tưới nước đẫm trước khi nhổ khoảng 1 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.

- Sau khi trồng thường xuyên tưới ẩm cho cây. Giai đoạn cây sinh trưởng thân lá cần đảm bảo đủ nước.

* Bón phân:

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng phân bón cho thích hợp.

- Bón lót: sử dụng phân chuồng hoai mục, vôi bột, phân hữu cơ vi sinh, ure, super lân, NPK 15-5-20. NPK 19-19-19. NPK 16-16-8…

- Bón thúc: chia làm 3 đợt

  • Đợt 1 (khi cây bén rễ hồi xanh, sau trồng khoảng 10 ngày): dùng phân DAP , MAP ... để tưới cho cây con.
  • Đợt 2 (sau trồng khoảng 20 - 25 ngày): dùng NPK 15-5-20. NPK 20-20-15+TE , 
  • Đợt 3 (trước khi cây ra hoa, sau trồng khoảng 40 - 45 ngày): dùng NPK 15-5-20. NPK 21-11-21 , NPK 16-8-34 +TE …

Ngoài ra bà con nên bổ sung thêm phân qua lá các thời kỳ bón phân để tăng cường dinh dưỡng. Nên dùng thêm các dòng phân qua lá bổ sung Trung vi lượng như Magie, Canxi, Đồng , Sắt, Kẽm, Mangan , Molypden ...

* Làm cỏ, tỉa lá:

- Các đợt bón thúc kết hợp với làm cỏ, xới xáo, vun gốc cho cây. 

- Nên ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh đảm bảo ruộng thoáng, hạn chế sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hái.

* Che đậy hoa:

- Che hoa là một biện pháp cần thiết trong kỹ thuật trồng súp lơ. 

- Sau trồng khoảng 45-50 ngày, khi 2 lá ở giữa nhỏ hẳn đi và bắt chéo nhau, đó là dấu hiệu điểm sinh trưởng đã xuất hiện, khi nụ hoa có đường kính 4-5 cm thì tiến hành che hoa. Có thể bẻ những lá phía dưới đậy lên hoa. 

Cây bông cải trắng sắp đến ngày thu hoạch

5. Phòng trừ sâu bệnh

5.1. Sâu hại 

* Sâu tơ (Plutella xylostella) 

Là sâu gây hại nguy hiểm, chúng phát sinh và gây hại liên tục quanh năm, nặng nhất từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

- Đặc điểm hình thái:

  • Trưởng thành là loài bướm nhỏ, thân dài 8-12 mm, cánh trước màu xám nhạt, có nhiều đốm nhỏ màu trắng và đen xen kẽ, mép trên trắng và có 3 đường lượn sóng màu nâu đậm, phía ngoài có những lông tơ dài. Trứng rất nhỏ, màu vàng, hình bầu dục, bám ở mặt dưới lá.
  • Sâu non: màu xanh vàng nhạt, thân thon, có nhiều lông ngắn màu đen, rải rác có những đốm nhỏ màu đen.
  • Nhộng: kén trắng thưa, nhộng thon, có màu xanh chuyển sang vàng, sắp nở có màu nâu.

- Tập quán sinh sống và gây hại:

  • Bướm hoạt động mạnh về đêm, mạnh nhất là từ chập tối đến nửa đêm. Bướm đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm hay theo dây dọc ở mặt dưới lá, trung bình mỗi con cái đẻ từ 100-150 trứng.
  • Sâu non ăn toàn bộ biểu bì lá làm cho lá bị thủng lỗ chỗ. Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm năng suất và chất lượng rau. Vòng đời trung bình 20-25 ngày, trong đó giai đoạn trứng 3-4 ngày, sâu non 12-15 ngày, nhộng 3-4 ngày, bướm đẻ trứng 3-4 ngày.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác/ sinh học/ vật lý:  Vệ sinh vườn, tiêu hủy tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như hành, tỏi. Tưới phun mưa lúc chiều mát là biện pháp hữu hiệu phòng trừ sâu tơ bắt cặp, đẻ trứng. Bảo vệ các loài thiên địch của sâu tơ như ong ký sinh, bọ đuôi kìm… 
  • Biện pháp hoá học: Kiểm tra đồng ruộng và chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/cây ở giai đoạn 2-3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở giai đoạn 4-7 tuần sau trồng. Không phun thuốc đặc trị sâu tơ khi sâu chưa xuất hiện ở ngưỡng trên.
  • Sâu tơ có khả năng kháng thuốc cao nên có thể sử dụng luân phiên một số loại thuốc sau: Delfin WG, Aizabin WP, Silsau 3.6EC, Kurapa WP…

* Sâu xám (Agrotis ypsilon):

- Đặc điểm hình thái: Trưởng thành là loài bướm, cơ thể có nhiều lông màu xám, trứng lúc đầu có màu nhạt sau chuyển sang màu đen đến nâu. Sâu non màu đen nâu, nhộng có màu nâu cánh gián.

- Tập quán sinh sống và gây hại:

  • Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất.
  • Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây.
  • Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, thu dọn cỏ dại trên vườn.
  • Biện pháp hoá học: Sử dụng một số loại thuốc hoá học có hoạt chất Abamectin (Dibamec 1.8 EC, 3.6EC, 5 WG, Shertin 3.6EC, 5.0EC), Permethrin (Pounce 1.5GR).

5.2. Bệnh hại

* Bệnh thối gốc (Phoma ligam)

- Triệu chứng: Ban đầu là những vết nứt thối trũng xuất hiện trên gốc thân cây và sau này có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn. Các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ. Thân cây khô và hoá gỗ, mô cây chuyển màu đen, đôi khi có viền đỏ tía. Bệnh gây hại cho cả cây con và cây lớn.

- Điều kiện phát sinh, phát triển: Nấm phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 15ºC và ẩm độ không khí cao. Nguồn bệnh tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bệnh.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Trồng cây giống sạch bệnh, vệ sinh vườn. Mùa mưa lên luống cao, thoát nước tốt.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc có hoạt chất: Trichoderma viride; (Biobus 1.00WP)…; Validamycin: (Validacin 5SP); Ngoài ra có thể xử lý đất bằng Sunfat đồng CuSO4.

* Bệnh cháy lá (Xanthomonas campestris)

- Triệu chứng: Bệnh gây hại ở cả cây giống và cây đã lớn. Lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn. Trên cây lớn hơn, vết bệnh có màu vàng, hình chữ V xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong. Những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá.

- Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển: Vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ 30-32 ºC, pH thích hợp 7,4. Tồn tại trong tàn dư cây trồng và trong hạt giống. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương do côn trùng hoặc cơ giới, mưa gió.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng vườn, thu dọn tàn dư sau khi thu hoạch, luân canh cây trồng khác họ, tránh các dòng nước chảy từ nơi bị bệnh. Chọn cây con khoẻ mạnh không có triệu chứng của bệnh. Thậm chí khi phát hiện nhiều cây con bị bệnh việc chọn cây giống khỏe cũng vô ích vì những cây khỏe có thể đã bị nhiễm vi khuẩn. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Copper Oxychloride 16% + Kasugamycin  0.6%: (New kasuran 16.6BTN); Copper Hydroxide (DuPontTM KocideÒ 46.1 DF, Champion 77WP); Kasugamycin 2% (Kasuran 47WP).

* Bệnh sương mai (Peronopora parasitica)

- Triệu chứng: Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho đến khi cây lớn. Trên lá mầm và các lá thật của cây con xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc hình dạng bất định màu vàng nâu, trên đó có lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Vết bệnh ở dưới mặt lá được bao phủ một lớp trắng xốp như sương. Sau một thời gian vết bệnh khô lại, có màu nâu hoặc đen. Các vết bệnh lan rộng liên kết với nhau thành mảng cháy lớn trên lá, lá vàng và rụng.

- Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ (10-15 ºC) và ẩm ướt. Nấm bệnh tồn tại trên hạt giống, tàn dư cây trồng và các cây cỏ họ thập tự.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Trồng mật độ thích hợp, hạn chế bón nhiều đạm nhất là trong mùa mưa.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau: Daconil 75WP, Chionil 750WP, Arygreen 75WP, Juliet 80WP…

* Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani)

- Triệu chứng: Vết bệnh lõm sâu vào phần thân giáp mặt đất và có màu hơi sẫm. Cây bị bệnh phát triển kém, bắp nhỏ, bị nặng có thể héo và chết. Trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bông. Toàn bộ bông có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài. Trên chỗ thối có các hạch nhỏ màu nâu.

- Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng, trồng cây giống sạch bệnh.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Validamycin (Tung vali 3SL, 5SL, Valivithaco 3SC); Copper citrate: (Heroga 6.4SL),…; Trichoderma viride: (Biobus 1.00 WP); Copper citrate: (Heroga 6.4SL),…; Cytokinin: (Etobon 0.56SL); Trichoderma viride: (Biobus 1.00 WP)....

Thu hoạch súp lơ đều, năng suất rất cao

6. Thu hoạch

- Khi hoa cuộn chặt, màu trắng hay màu trắng ngà, tuổi hoa 15-20 ngày thì tiến hành thu hoạch.

- Dùng dao sắc chặc sát gốc, tỉa bỏ 4 – 5 lá dưới cùng. Lưu ý không rửa nước trước khi bảo quản, đóng gói hay vận chuyển.

Lưu ý: Sau mỗi vụ có thể để nguyên luống và dùng máy xới đất mini để làm đất. Đối với ruộng thuận lợi tưới tiêu bà con có thể cho nước vào ngập đất trong khoảng 10 ngày để hạn chế sâu bệnh hại.

Danh mục tin tức