Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

KỸ THUẬT TRỒNG MƯỚP HƯƠNG

Giới thiệu

* Các giống mướp hương F1 FS 237, F1 FS 238, F1 FS 239 có xuất xứ Việt Nam.

- Mướp hương F1 FS 237: trái dài 40 – 50cm, màu xanh đậm.

- Mướp hương F1 FS 238: trái dài 23 – 25cm, màu xanh đậm.

- Mướp hương F1 FS 239: trái dài 26 – 30cm, màu xanh trung bình.

  • Trồng được ở khu vực nóng và mát, cây sinh trưởng và phát triển khỏe, khả năng kháng bệnh cao. Cây ưa nhiệt độ cao, sinh trưởng và phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 25 – 30oC. Ở nhiệt độ thấp cây sinh trưởng kém, ít đậu trái.
  • Thời gian thu hoạch: có thể thu hoạch sau gieo khoảng 40 - 45 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài.
  • Thời vụ: Miền Bắc và miền Trung thường bắt đầu gieo trồng mướp từ tháng 12, kéo dài tới tháng 5 năm sau. Thời tiết ở miền Nam quanh năm nóng ẩm, rất phù hợp với yêu cầu ngoại cảnh của cây mướp nên có thể trồng mướp quanh năm (Vụ chính là Đông Xuân và Xuân Hè).

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho mướp hương

1. Chuẩn bị đất trồng

- Đất trồng cần phải tơi xốp, giữ ẩm tốt và thoát nước tốt. Tốt nhất là đất thịt pha cát.

- Đất phải được cày xới tơi xốp, sạch cỏ, rải vôi. 

- Tốt nhất không gieo trồng hạt giống mướp hương trên đất mà vụ trước đã trồng các cây thuộc họ bầu, bí.

2. Xử lý hạt giống

Ngâm hạt giống mướp hương trong nước ấm tỉ lệ 2 sôi: 3 lạnh, trong vòng từ 3 - 4 tiếng. Sau đó vớt ra, rửa sạch, đem ủ vào khăn ẩm trong khoảng 24 tiếng, khi thấy hạt nứt nanh thì đem gieo. 

Hướng dẫn chi tiết:

  • Bấm hạt: Sử dụng bấm móng tay (kéo) bấm phần đuôi.

Lưu ý: Hạt không bấm sẽ không nảy mầm.

  • Ngâm hạt: 

Hạt sau khi bấm ta đem ngâm vào nước ấm (pha tỷ lệ 2 sôi + 3 lạnh) trong vòng 3 – 4 giờ. 

Chuẩn bị khăn ủ: Ngâm khăn thấm đều nước, vắt ráo nước (nên sử dụng loại khăn rút nước, không dùng khăn nylon, vải mòng, không được để cho quá ẩm sẽ làm hư hạt).

  • Ủ hạt vào khăn:

--> Sau 3 – 4 giờ ngâm ta vớt hạt ra, rửa sạch nhớt rồi đem ủ.

--> Khi ủ hạt phải dàn đều trên khăn.

--> Không cuộn tròn khăn, không dồn thành cục.

--> Sau đó gấp khăn lại và để nơi kín gió. 

--> Sau 12 giờ ủ hạt ta lấy hạt ra rửa sạch lớp nhờn bên ngoài vỏ hạt, giặt khăn cho sạch rồi tiếp tục ủ lại.

--> 12 giờ sau hạt bắt đầu nảy mầm (tổng cộng 24 giờ), nhặt hạt nảy mầm gieo trước, phần hạt còn lại đem rửa bằng nước ấm rồi tiếp tục ủ hạt cho đến khi nảy mầm hết. 

3. Gieo trồng

- Gieo hạt giống mướp hương xuống đất với độ sâu khoảng 1cm rồi lấp đất. Rải trên mặt từ 20 – 30 hạt thuốc trừ sâu Basudin hoặc Furadan để phòng trừ sâu, kiến mối. Cuối cùng dùng thùng bông sen tưới đủ ẩm qua một lượt.

- Tuỳ theo thời vụ mà có thể gieo thẳng ngoài đồng hoặc gieo vô bầu. 

  • Mùa nắng thì nên gieo thẳng ngoài đồng để cây phát triển mạnh hơn và đỡ tốn công vô bầu. Gieo mỗi hốc 1 hạt. 
  • Mùa mưa thì nên gieo vô bầu để chất lượng cây giống tốt hơn. Gieo mỗi bầu 1 hạt.

- Khi cây trong bầu vừa nhú lá nhám (lá thật) thì đem trồng ngay.

- Mật độ trồng: trồng leo giàn

+ Hàng đơn, cây cách cây 0.5 – 0.7m, hàng cách hàng 1.4m. mật độ khoảng 1.200 – 1.500 cây/1.000m2.

+ Hàng đôi: hàng đôi cách hàng đôi 4.5m, cây cách cây trên hàng 0.8 – 1m. Mật độ khoảng 1.200 – 1.500 cây/1.000m2.

4. Chăm sóc

* Tưới nước

Tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Không nên tưới quá nhiều sẽ làm cây ngập úng và chết. 

* Bón phân

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng phân bón cho thích hợp. 

- Bón lót: Vôi, phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, NPK 20-20-15, NPK 16-16-8...

- Bón thúc:

  • Bón thúc lần 1 (sau gieo 7 – 10 ngày): Bón Ure và DAP, MAP
  • Bón thúc lần 2 (sau gieo 15 – 17 ngày): Bón Ure , NPK 30-9-9, DAP. MAP
  • Bón thúc lần 3 (sau gieo 25 – 27 ngày): Bón NPK 20-20-15. NPK 19-19-19,....
  • Bón thúc lần 4 (sau gieo 38 – 40 ngày): Bón NPK 20-20-15. Đây là lần bón cuối và chuẩn bị thu hoạch. 

Sau khi thu hoạch lần đầu cứ tầm 7 – 10 ngày thì bón phân để bồi dưỡng cho cây. Dùng phân NPk 20-20-15, Ure, Kali.

Ngoài ra các các lần bón thúc bà con nên bó thêm các dòng phân chứa Trung vi lượng : Magie, canxi , Đồng, Sắt, Kẻm , Mangan , Bo , Molypden... Hoặc bổ sung phân qua lá định kỳ.

* Làm giàn

Khi cây cao 20cm nên tiến hành làm giàn. Giàn phải vững chắc, cao khoảng 2m, cho dây bò đều trên giàn và tỉa bỏ bớt lá ở gốc cho thoáng.

* Bấm ngọn

Nếu muốn thu hoạch rộ thì nên bấm ngọn khi cây được 5 – 7 lá thật, chỉ chừa lại 3 – 4 nhánh to khoẻ nhất. 

5. Phòng trừ sâu bệnh

5.1. Sâu hại

* Dế, sâu đất, sùng đất

  • Cách phá hại: Ăn đứt rễ mầm hạt giống, đọt non, cây non.
  • Phòng trừ: Xử lý bằng các loại thuốc trừ sâu dạng hạt .

* Sâu vẽ bùa (Dòi đục lá)

  • Cách phá hại: Ăn lớp diệp lục của lá, làm lá dễ bị khô cháy, nhiễm bệnh dẫn đến thất thu năng suất. Sâu vẽ bùa gây hại rất mạnh trong mùa nắng, khi thời tiết khô. 
  • Phòng trừ: Phun Thianmectin 0.5 ME

* Sâu xanh, sâu ăn tạp

  • Cách phá hại: Cắn phá lá non, đọt non, bông, trái mướp suốt từ cây con đến thu hoạch.
  • Phòng trừ: Dùng Thianmectin 0.5 ME, Peran, Amate

* Bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông

  • Cách phá hại: Chích hút nhựa đọt non, lá non làm cây kém phát triển dẫn đến năng suất kém.
  • Phòng trừ: Dùng Oncol, Confidor, Decis…

5.2. Bệnh hại

* Bệnh thối lỡ cổ rễ (còn gọi là bệnh thối gốc, thối rễ, chết cây con)

- Biểu hiện và khả năng gây hại:

  • Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, cổ rễ bị thối nhũn, cây con dễ ngã gục ngang mặt đất, lá non vẫn xanh tưới, cuối cùng bị héo và chết, xung quanh gốc có tơ nấm màu trắng trên mặt đất.
  • Đối với cây trưởng thành, ở gốc cây sát mặt đất xuất hiện vế bệnh bị lõm, có màu nâu hoặc hơi nâu đỏ. Vết bệnh lan rộng quanh gốc thân và lan xuống rễ. Cây bị nhiễm bệnh có hiện tượng thối rễ, thối gốc, thối thân, có thể bị thối quả. 
  • Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con (giai đoạn cây mới mọc đến khi có 2 – 3 lá thật). Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao. Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển là 25-30oC.

- Cách phòng trừ:

  • Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng vụ trước, nhổ bỏ cây bệnh và đốt. Tốt nhất vụ trước không trồng cây họ bầu bí.
  • Biện pháp hoá học: Sử dụng một số thuốc như Validacin, Bonaza,…; thuốc đặc hiệu như Amistar 250SC với các hoạt chất Hexaconazole, Difenoconazole…

* Bệnh xoăn đọt, xoăn lá (Khảm)

- Biểu hiện và khả năng gây hại:

  • Dây mướp bị bệnh đọt non sẽ xoăn lại, lá có màu và lốm đốm vàng, xuất hiện loang lổ. Các đốt ở thân cây không phát triển mà co ngắn, dây chùn lại. Quả bị biến dạng và méo mó, vị đắng. Bệnh thường xuất hiện trên lá và toàn cây.
  • Bệnh do virus Cucumis virus 1 gây nên. Virus lan truyền do bọ trĩ, rệp làm môi giới. Sự lây nhiễm tương ứng với mật độ bọ trĩ, rệp trên đồng ruộng. Bọ trĩ, rệp càng nhiều tỉ lệ nhiễm bệnh càng lớn.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng, thu dọn tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng.
  • Nhổ bỏ những cây bị bệnh trên ruộng, tránh tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe.
  • Bệnh do virus gây nên, chưa có thuốc trị, thường chỉ dùng thuốc hóa học để phòng trừ bọ trĩ, rệp truyền bệnh. Nên chọn loại thuốc ít độc, ưu tiên thuốc sinh học như dầu khoáng SK Enspray 99EC, Abatin 5,4 EC….

* Bệnh sương mai

- Biểu hiện và khả năng gây hại:

  • Sương mai gây hại chủ yếu cho lá mướp. Vết bệnh xuất hiện ở mặt trên lá là các đốm màu xanh nhợt, các vết này bị giới hạn bởi các đường gân của lá. Khi bệnh nặng, vết bệnh dần chuyển sang màu vàng. Ở mặt dưới của lá dấu hiệu của bệnh thể hiện rất rõ rệt, xuất hiện những lớp phấn mịn màu trắng xám. Khi bệnh chuyển biến nặng hơn thì sinh ra hiện tượng khô lá và rất dễ bị rách.
  • Sương mai làm cho lá giòn, dễ gãy, diện tích quang hợp giảm dẫn đến lượng hoa quả mướp hương hình thành được ít.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Nếu bệnh chớm xuất hiện và chưa lan rộng thì nhổ cây tiêu hủy để ngăn chặn bệnh lây lan
  • Để phòng trừ loại bệnh gây hại này bạn nên luân phiên sử dụng thuốc ridomil, Antracol, Cuzate, Mancozed…

* Bệnh héo xanh

- Biểu hiện và khả năng gây hại:

  • Triệu chứng điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo thường xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại (nông dân thường nghĩ là cây thiếu nước). Ban đầu cây có biểu hiện héo, sau đó phục hồi vào ban đêm. Sau vài ngày thì cây chết không phục hồi được nữa, lá không chuyển màu vàng. Khi cây bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh có thể làm chết cả cây hoặc chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũn.
  • Vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ 30-350C. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua vết thương, lan truyền qua cây bệnh và dụng cụ lao động. 
  • Nguồn bệnh tồn tại trong đất, hạt giống, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.

- Biện pháp phòng trừ: 

  • Sử dụng giống ớt chống chịu bệnh,
  • Luân canh với cây trồng khác họ.
  • Vệ sinh đồng ruộng. Không để cây bệnh tồn tại trên ruộng bởi vì đó là nguồn lây lan bệnh trên đồng ruộng.
  • Tăng cường nguồn phân hữu cơ cho cây khỏe (có thể dùng phân ủ) để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.
  • Sử dụng thuốc Fugous Proteoglycans (Elcarin 0.5SL) để phòng trừ.

* Bệnh nứt thân chảy nhựa

- Biểu hiện và khả năng gây hại: Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây.

  • Trên lá: lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu thành từng đám, bệnh xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung. Trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
  • Trên thân: Đốm bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, làm khuyết thân, nhánh nơi bị bệnh. Trên vết bệnh, nhựa cây ứa ra thành giọt. Sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh. 
  • Trên trái: có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt nẻ. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống trái, làm cho trái không phát triẻn và rụng.
  • Bệnh phát triển khi thời tiết nóng và mưa nhiều, nhiệt độ 20 – 30 độ C. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử.

- Biện pháp phòng trừ: 

  • Luân canh với cây trồng khác họ
  • Tiêu huỷ tản dư thực vật vụ trước.
  • Khi bệnh mới xuất hiện, có thể phun thuốc có hoạt chất Mancozeb, Metalaxyl, Copper Hydroxide,… để phòng trị. 

Danh mục tin tức