Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI HIỆU QUẢ

Giới thiệu

Quả dưa lưới có tên khoa học là Cucumis Melo nằm trong họ Bầu bí (Cucurbitaceae) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Châu Phi. Giống cây này rất thích hợp để sinh trưởng trong điều kiện nhiệt đới, thời tiết nắng nóng như ở Việt Nam. 

Dưa lưới có rất nhiều loại, mỗi loại có một hương vị riêng rất thích hợp để ăn vào mùa hè để giải khát. Dựa vào màu sắc ruột dưa lưới, có 2 loại dưa lưới phổ biến nhất là dưa lưới ruột vàng và dưa lưới ruột xanh. Cả dưa lưới ruột vàng và dưa lưới ruột xanh đều có hương vị cực kỳ thơm ngon, thanh mát và giàu dinh dưỡng.

  • Dưa Lưới F1 FS 166 (Ruột Cam): Quả tròn, ruột vàng cam, độ brix cao 14 – 16%. Trái nặng 1.6 – 2kg. Thời gian thu hoạch: 75 – 90 ngày sau gieo.
  • Dưa Lưới F1 FS 165 (Ruột Xanh): Quả tròn, ruột màu xanh, vị ngọt, thơm ngon. Trái nặng 1.5 – 1.8kg. Thời gian thu hoạch: 80 – 85 ngày sau gieo. 

Dưa lưới có thể trồng quanh năm, miền Bắc phù hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch. Cây phát triển tốt khi khí hậu ấm áp. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển 25 -30ºC. Sự sinh trưởng sẽ bị hạn chế khi nhiệt độ thấp hơn 15ºC và khi cao hơn 35ºC.
 

HƯỚNG DẪN TRỒNG DƯA LƯỚI HIỆU QUẢ

1. Chuẩn bị đất trồng

    Dưa lưới thích hợp trồng trên đất tơi xốp, thoát nước tốt, độ pH từ 6-6,5 (đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát).

2. Xử lý hạt giống

    Ngâm hạt trong nước ấm 4 – 5 tiếng, sau đó mang hạt ủ vào khăn ẩm trong khoảng 1 ngày để hạt nứt nanh rồi đem gieo.

3. Gieo trồng

- Trồng trong nhà màng

  • Cho hạt giống vào bầu ươm và phủ 1 lớp đất mỏng lên trên.
  • Khay ươm, bầu ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hạt giống được tưới giữ ẩm hằng ngày. Sau khi gieo từ 7 – 10 ngày, khi cây xuất hiện lá thứ 2 thì tiến hành trồng.
  • Mật độ trồng: Trồng hàng đơn, hàng cách hàng 65 cm, cây cách cây 60 cm (khoảng 2.500 cây/1.000m2).
  • Sau khi được trồng từ 7 – 10 ngày, cây ra tua cuốn cần tiến hành treo dây để cố định cây. Sau đó tỉa bỏ những nhánh phụ từ đốt 1 đến đốt 5. Từ đốt 6 trở đi bấm ngọn các nhánh phụ, chỉ để lại 2 đốt đầu tiên. Mỗi cây chỉ để 1 – 2 quả, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng.
  • Khi trồng 40 ngày, quả phát triển đạt đường kính từ 2 – 4 cm thì cần hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả, quả lớn đều. Khi cây được 23 – 25 lá, nhà vườn cần bấm ngọn bên.

- Trồng ngoài ruộng:

  • Cho hạt giống vào bầu ươm và phủ 1 lớp đất mỏng lên trên.
  • Tưới nước đủ ẩm và đặt nơi thoáng mát, tốt nhất là tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng và chiều. Sau gieo khoảng 2 ngày hạt sẽ nảy mầm.
  • Khi cây con có 1 - 2 lá thật (sau khi gieo 8 - 10 ngày) thì có thể mang đi trồng.
  • Nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã dịu. Đặt cây nhẹ nhàng tránh làm tổn thương cây và không nén đất quá chặc. Khi trồng cây con xong cần tưới nước ngay và che phủ tạo bóng râm trong 1 tuần đầu để cây hồi sức.
  • Mật độ trồng: 

+ Trồng giàn: Trồng hàng đôi, cây cách cây 0.5 – 0.6m, hàng cách hàng 1.5m. (Khoảng 2.200 - 2.500 cây/1.000m2). 

+ Trồng bò đât: Trồng hàng đôi, cây cách cây 0,5 cm, hàng cách hàng 4 m. Luống rộng 5 m. (Khoảng 900 – 1.000 cây/1.000m2). Nên phủ mặt luống bằng nilon đen, mặt luống san phẳng, thoải đều về hai bên mép luống, nhất là vụ Xuân Hè để quả không bị thối hỏng khi gặp mưa.

4. Chăm sóc

- Tưới nước

Tưới nước mỗi ngày 1 lần để giữ ẩm cho đất, tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát. Đảm bảo đất đủ ẩm và thoát nước tốt. Giảm lượng nước tưới khi trái bắt đầu chin. Ngưng tưới nước trước khi thu hoạch 2 – 3 ngày để quả được ngọt hơn.

- Bón phân: 

      Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng phân bón cho thích hợp. 

  • Bón lót: Sử dụng NPK 16-16-8, kết hợp với phân hữu cơ và các loại phân vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
  • Bón thúc: 

+ Bón thúc lần 1 (sau khi gieo hạt 18-20 ngày): bón NPK 16-16-8. 

+ Bón thúc lần 2 (7 – 10 ngày sau khi đậu quả): bón NPK 16-16-8, NPK 20-20-15 và canxi. 

+ Bón thúc lần 3 (16 - 18 ngày sau khi đậu quả): sử dụng phân bón KCL.

- Làm giàn

      Làm giàn khi cây cao khoảng 30-35 cm. Do thân dưa leo vươn lưới rất nhanh nên phải buộc cây vào giàn dọc theo cây dèo/lưới, cứ 2 – 3 ngày buộc 1 lần.

- Bấm ngọn, tỉa nhánh, chọn quả:  Có 2 cách:

  • Cách 1: Bấm ngọn, chừa lại 2 nhánh.

      Khi cây được 4 – 5 lá thật thì tiến hành bấm ngọn chính. Sau khi bấm ngọn 7 – 10 ngày thì chọn 2 nhánh tốt nhất để lại. Cắt bỏ chèo (nhánh phụ) trên dây nhánh từ lá thứ 7 trở vào gốc trước khi để quả. Vị trí để quả tốt nhất là từ lá thứ 8 đến lá thứ 10. Mỗi nhánh chèo ta để lại 2 lá rồi tiến hành bấm ngọn. Mỗi gốc chỉ để 1 quả tốt nhất.

  • Cách 2: Không cần bấm ngọn chính

      Cắt bỏ nhánh phụ trên dây chính kể từ lá thứ 7 trở vào gốc. Chừa lại nhánh phụ từ lá thứ 8 đến lá thứ 12 và bấm ngọn nhánh, để lại 2 lá đầu tiên. Mỗi gốc chỉ chọn 1 quả tốt nhất. 

  • Thụ phấn

      Có thể thụ phấn nhân tạo để tăng hiệu quả. Nên tiến hành trong khoảng 7 – 10 giờ sáng. (Ngắt bông đực, bỏ cánh hoa rồi cầm nhị chà nhẹ vào bầu nhụy hoa cái để  phấn hoa rụng lên bầu). Sau khi đậu quả thì cắt bỏ những trái  bé kém phát triển, chỉ giữ lại trái to khỏe. Mỗi cây chỉ nên giữ lại 1 quả.

  Sau khi đã chọn được quả thì tỉa bỏ bớt nhánh cho cây thông thoáng, dễ quản lý sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

5. Thu hoạch

   Sau gieo 75 – 90 ngày thì có thể thu hoạch. Nên thu hoạch vào sáng sớm và chiều mát. Quả dưa tới ngày thu hoạch là khi trên cuống xuất hiện những đường nứt trắng kéo dài xuống quả, gân lưới xuất hiện rõ và đồng đều, quả có mùi thơm nhẹ.


Hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để biết thêm thông tin sản phẩm:  

CÔNG TY TNHH SX TM FAMSEEDS

Hotline: 0775 3456 99 - 0765 3456 99

Email: Sales@famseeds.com

Địa chỉ: 12A đường Linh Đông, Phường Linh Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Danh mục tin tức