Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO ỚT

Giới thiệu:

Ớt là cây chịu nhiệt, ưa khí hậu ấm áp, nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng là 25-30ºC. Cây có khả năng chịu hạn tốt, nhưng chịu rét và chịu úng kém. Phạm vi nhiệt độ cho ớt sinh trưởng và phát triển là 15 - 35 ºC

* Thời vụ:

  • Vụ thu đông: Gieo hạt tháng 8 - 9 dương lịch, trồng vào tháng 9 - 10, thu hoạch từ tháng 11 – tháng 2 năm sau.
  • Vụ đông xuân: Gieo hạt tháng 10 - 11 dương lịch, trồng vào tháng 11 - 12, thu hoạch từ tháng 2 - 3 trở đi. 
  • Vụ xuân hè: Gieo vào tháng 1 - 2 dương lịch, trồng vào tháng 2 - 3, thu hoạch từ tháng 4 – 7.
  • Vụ hè thu: Gieo tháng 4 – 5, trồng vào tháng 5 - 6, thu hoạch từ tháng 8 trở đi. 
* Theo miền:
  • Miền Nam: Trồng được quanh năm, tập trung vào 4 vụ trên, vụ chính là Đông xuân. 
  • Miền Trung: Trồng được quanh năm đối với những vùng chủ động nước tưới, chủ yếu trồng vụ Thu đông, Đông xuân và Xuân hè.
  • Miền Bắc: Trồng vụ thu đông, đông xuân và xuân hè. Ớt thích hợp nhiệt độ cao từ 25-30ºC, do đó ớt trồng vụ Xuân Hè sẽ cho năng suất cao nhất.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt

1. Chuẩn bị đất trồng

- Chọn đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: Đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa.

- Đất chuẩn bị trồng phải được luân canh lúa, bắp, đậu…, vụ trước không trồng cây thuộc họ cà như: ớt, cà chua, cà tím, khoai tây… để phòng nấm bệnh trong đất truyền cho ớt.

- Đất được phơi ải, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi 300-500 kg/ha trước khi trồng 10-15 ngày. Mùa mưa cần phải lên luống cao cao 20 – 30cm. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp (Plastic) để trồng.

- Nếu trồng vào mùa mưa thì cần phải trồng trên đất thoát nước tốt, để tránh ngập úng và chọn các giống kháng bệnh thán thư.

2. Xử lý hạt giống

Ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) khoảng 3 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo rồi ủ vào khăn ẩm khoảng 2 – 3 ngày cho hạt nứt mầm rồi đem gieo. 

3. Gieo trồng

- Gieo hạt vào đất đã chuẩn bị sẵn. Ngoài ra bà con có thể gieo hạt vào bầu hoặc khay gieo cây giống, như vậy tỉ lệ cây giống sẽ cao và chất lượng cây con sẽ tốt hơn. Có thể rải một lượt thuốc kiến đề phòng kiến và dế, sâu đất phá hại. Sau đó phủ một lớp trấu hay rơm rạ mỏng lên bề mặt rồi tưới nước tạo độ ẩm cho đất.

- Sau khi gieo khoảng 3-5 ngày là bắt đầu nảy mầm. Khi cây có từ 4-5 lá thật (25-35 ngày sau gieo), chọn những cây phát triển tốt đem ra trồng.

- Mật độ và khoảng cách trồng tùy thuộc vào giống, đất đai và khí hậu, mật độ cao cây sẽ có sự cạnh tranh áng sáng, phân bón, nhiều sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất.

- Có thể trồng như sau:

  • Vào mùa khô: Trồng hàng đôi, hàng cách hàng 0.5 - 0.6m, cây cách cây trên hàng 0.5 - 0,6m (Mật độ trung bình từ 2.500 – 3.000 cây/1.000m2). Hoặc trồng hàng đơn, hàng cách hàng 0.8m, cây cách cây 0.5m (Mật độ trung bình 2.500 cây/1.000m2).
  • Vào mùa mưa: Trồng hàng đơn, hàng cách hàng từ 1.2 – l.4m, cây cách cây trên hàng 0.5m (Mật độ trung bình từ 1.400 - 1.500 cây/1.000m2).

4. Chăm sóc

* Tưới nước: 

- Thường xuyên cung cấp nước tạo độ ẩm cho đất. Tưới nước vào mỗi buổi sáng và chiều mát.

- Trong thời gian cây ra hoa và kết trái cần cung cấp đủ nước để ngăn ngừa rụng bông rụng trái. Tưới quá ẩm hay để quá khô hạn sẽ làm cây phát triển kém, giảm số hoa, rụng hoa, rụng trái, giảm chất lượng trái, năng suất thấp. 

Lưu ý: Ớt cần nước nhưng không chịu được úng. Do vậy cần thoát nước tốt cho đất trồng.

* Bón phân:

Cây ớt cho thu quả liên tục và kéo dài nên cần phải bón lượng phân lớn và chia làm nhiều lần bón trong năm. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng phân bón cho thích hợp.

- Bón lót: Sử dụng vôi, phân chuồng, phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Ngoài ra bà con có thể dùng thêm phân vô cơ để bón lót như: NPK 16-16-8, Super lân, KCl, Calcium nitrat. Lưu ý khi sử dụng phân chuồng cần phải qua xử lý nấm bệnh trong phân.

- Bón thúc:

  • Tưới phân cho giai đoạn cây con khi cây bắt đâu bén rễ hồi xanh (khoảng 5 – 7 ngày sau trồng): Dùng phân MAP , DAP . Humic ... để tưới cho cây con . Nhằm kích thích phát triển bộ rễ mới.
  • Bón thúc lần 1 (25 - 30 ngày sau khi trồng): NKP 30-10-10, NPK 30-20-10, NPK 30-9-9, NPK 16-16-8, urê, KCl, Calcium nitrat. Giai đoạn này bà con cân đối lượng phân N:P:K theo tỉ lệ 2:2:1 . Bổ sung thêm Phân trung vi lượng. Như Magie, Đồng , Sắt , Kẽm, Mangan. Molypden... Có thể dùng thêm phân bón qua lá.
  • Bón thúc lần 2 (khi ớt đã đậu trái đều, khoảng 55 – 65 ngày sau trồng): NPK 16-16-8, NKP 20-20-15 +TE, KCl, Calcium nitrat. Giai đoạn này bà con cân đối lượng phân N:P:K theo tỉ lệ 2:1:2 . Bổ sung thêm Phân trung vi lượng. Như Magie, Đồng , Sắt , Kẽm, Mangan. Molypden... Bổ sung thêm phân qua lá để kích thích ra hoa, chống rụng bông rụng trái non giai đoạn trước và sau khi ra hoa.
  • Bón thúc lần 3 (khi bắt đầu thu trái, khoảng 80 – 85 ngày sau trồng): NPK 16-16-8, NKP 20-20-15 +TE, NPK 21-11-21, NKP 16-8-34, urê, KCl, Calcium nitrat.
  • Bón thúc lần 4 (khi thu hoạch rộ): NPK 20-20-15 , Phân Kali Nitrat , Kali Sunfat ,KCl, Calcium nitrat. Lưu ý nên tăng cường Kali và Canxi giai đoạn này. Phân bón NPK Theo tỉ lệ 2:1:3.

Lưu ý:

  • Kết hợp làm cỏ, vun gốc mỗi lần bón thúc phân. 
  • Rễ cây ớt rất mẫn cảm với phân bón do đó khi bón phân hóa học phải xa gốc, tưới phân và phun phân bón lá phải đúng liều lượng.
  • Có thể sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý hàm lượng đạm, lân, kali ghi trên bao bì. Giai đoạn cây có trái thì không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư (nông dân thường gọi là nổ trái). Lúc cây ra hoa nên phun thêm CaCl2 hoặc CaBo theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Trường hợp bà con dùng phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt cần lưu ý cách pha phân để kg bik kết tủa và đủ hàm lượng cần cho cây trồng trong từng giai đoạn.

* Tỉa nhánh

Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển, cho năng suất cao. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.

* Cắm cọc, làm giàn

Cây ớt ra nhiều trái gặp gió mạnh dễ đổ ngã, nên cắm cọc để chống đỡ, mỗi cây ớt cắm một cây cọc, cắm xiên buộc vào thân chính, có thể dùng dây nylon giăng dọc theo hàng để đỡ cành mang trái, hạn chế cành bị gãy khi mang trái nặng.

5. Phòng trừ sâu bệnh

5.1. Sâu hại ớt 

* Kiến tha hạt, dế và ốc hại cây con: Dùng thuốc kiến hoặc thuốc sâu dạng hạt đang được lưu hàng. rải đều lên mặt bầu, xung quanh khu vực gieo hạt và bắt thủ công.

* Rầy mềm: Sống tập trung ở đọt non và mặt dưới của lá non, chích hút nhựa làm đọt non chùng lại, lá quăn queo, úa vàng, cây không phát triển. Sử dụng thuốc có hoạt chất Imidacloprid, Abamectin, Actachloric để phòng trừ.

* Bọ trĩ: 

- Đặc tính: màu vàng nhạt và rất nhỏ kể cả khi trưởng thành. Di chuyển rất nhanh và đẻ trứng trên lá non. Chích hút nhựa lá non và nụ hoa. Từ đó hoa lá bị xoăn lại làm cây sinh trưởng kém.

- Thời gian xuất hiện: trong suốt mùa vụ trồng. Trong điều kiện thời tiết khô nóng, bọ trĩ phát triển mạnh.

- Phòng & trị bệnh: Thăm đồng thường xuyên.

- Nếu xuất hiện mật độ cao 100 cây/1000m2 thì tiến hành phun thuốc đặc trị bọ trĩ hại ớt.

- Hoạt chất: Imidacloprid là hữu hiệu cho việc phòng trừ bọ trĩ.

* Sâu khoang (Spodoptera litura)

- Đặc tính: Bướm đẻ trứng trên lá, cành và gân lá từng ổ

- Vòng đời: 25 – 48 ngày (Trứng: 3 – 7 ngày, Sâu non: 12 – 27 ngày, Nhộng: 8 – 10 ngày, Trưởng thành: 2 – 4 ngày).

- Thường gây hại vào ban đêm. Ban ngày ẩn dưới đám lá, bụi cỏ hoặc trong đất. Sâu làm nhộng trong đất.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Dọn vườn sạch sẽ. Gom tàng dư và trứng sâu đi tiêu hủy.
  • Thường xuyên thăm vườn để phòng trừ kịp thời và hiệu quả.
  • Khi xuất hiện với mật độ cao nên phun thuốc nhanh chóng để tránh bị thiệt hại nặng. Hoạt chất phòng trừ : Emamectin benzoate.

* Nhện đỏ (Tetranychus spp.)

- Đặc điểm:

  • Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói, trên mình và chân có nhiều lông cứng.
  • Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới của phiến lá, lúc mới đẻ có màu trắng hồng, sau đó chuyển hoàn toàn sang màu hồng. Nhện mới nở có màu xanh lợt.

- Tập quán sinh sống và gây hại:

  • Cả nhện trưởng thành và ấu trùng đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.
  • Nhện gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ phồng rộp. Khi mật độ cao làm cho lá khô cháy. Hoa và trái cũng bị nhện gây hại. Nhện đỏ hút chất dinh dưỡng trong trái làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa có thể bị thúi, rụng.
  • Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa. Nhện đỏ lan truyền nhờ gió và nhờ những sợi tơ, mạng nhện mà chúng tạo ra.

- Biện pháp phòng trừ:

              Biện pháp canh tác:

  • Tưới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô, khi mật độ nhện cao dùng phương pháp tưới phun với áp lực mạnh để rửa trôi nhện, hạn chế mật độ nhện trên đồng ruộng.
  • Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng
  • Tưới phun mưa với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao

             Biện pháp hóa học:

  • Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ nhện trên ớt. Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Propargite, Pyridaben.

5.2. Bệnh hại cây ớt .

* Bệnh héo rũ hại ớt

**Héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii)

- Triệu chứng bệnh:

  • Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa - hình thành quả - thu hoạch.
  • Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất.
  • Các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân.
  • Vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp.

- Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotium rolfsii. gây hại

Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh:

  • Đây là loại nấm gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Nấm phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25- 30oC. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm.
  • Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng quá nhiều mà không được thu gom tiêu hủy.
  • Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc

** Héo vàng (Fusarium oxysporum)

- Triệu chứng: Bệnh chủ yếu xuất hiện ở thời kỳ cây con đến khi ra hoa. Triệu chứng điển hình thường thấy là phần thân sát mặt đất có vết nấm tạo thành mảng trên bề mặt thân làm phá hủy hệ thống mạch dẫn của cây làm cho cây héo và chết.

- Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Fusarium oxysporum gây ra.

- Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm:

Nấm phát sinh gây hại mạnh ở nhiệt độ 25-30oC.

Bệnh lây lan mạnh khi trên ruộng đất cát, chua, đất thiếu đạm và lân.

-  Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác:

  • Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng.
  • Luân canh với cây trồng khác họ.
  • Chọn giống khỏe sạch bệnh để trồng, giống trên ruộng không bị bệnh.
  • Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc.
  • Khi trồng cần lên luống cao, sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn.
  • Bón phân cân đối và hợp lý. Tăng cường bón phân hữu cơ.
  • Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị bệnh để nhổ bỏ kịp thời và hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.

Biện pháp hóa học: 

  • Do chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc BVTV có các hoạt chất sau để phòng trừ: Chlorothalonil, Polyphenol, Validamicin

** Bệnh héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum)

- Triệu chứng:

  • Bệnh gây hại ớt ở các giai đoạn sinh trưởng nhưng nặng nhất là vào giai đoạn ớt trong giai đoạn thu hoạch.
  • Ban đầu cây có biểu hiện héo, sau đó phục hồi vào ban đêm. Sau vài ngày thì cây chết không phục hồi được nữa, lá không chuyển màu vàng. Khi cây bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh có thể làm chết cả cây hoặc chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũng

- Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearumgây ra.

- Điều kiện phát sinh, phát triển:

  • Vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ 30-350C. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua vết thương, lan truyền qua cây bệnh và dụng cụ lao động.
  • Nguồn bệnh tồn tại trong đất, hạt giống, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác:

  • Sử dụng giống ớt chống chịu bệnh,
  • Luân canh với cây trồng khác họ.
  • Vệ sinh đồng ruộng. Không để cây bệnh tồn tại trên ruộng bởi vì đó là nguồn lây lan bệnh trên đồng ruộng.
  • Tăng cường nguồn phân hữu cơ cho cây khỏe (có thể dùng phân ủ) để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.

Biện pháp hóa học:

  • Sử dụng thuốc Fugous Proteoglycans (Elcarin 0.5SL) để phòng trừ.

* Bệnh Thán thư (Colletotricum spp.)

- Triệu chứng bệnh:

Đầu tiên trên quả có vết ướt, sau đó lan rộng, vết bệnh thường có dạng vòng tròn đồng tâm, ở giữa vết bệnh có màu đen.

Khi gặp thời tiết ẩm ướt trên vết bệnh có lớp bào tử màu hồng cam.

- Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh thán thư hại ớt do nấm Colletotricum spp.

- Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh: Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm gây thối quả hàng loạt và thường xuất hiện vào các tháng nóng, ẩm trong năm (tháng 5,6,7,8). Nấm bệnh tồn tại trên tàn dư cây trồng nhiễm bệnh của vụ trước.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Vệ sinh đồng ruộng, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.
  • Luân canh cây trồng khác họ, không trồng cây họ cà liên tục trong 2 - 3 năm.
  • Chọn giống kháng bệnh.
  • Tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.
  • Tránh trồng ớt trong mùa mưa.
  • Sử dụng một trong các loại thuốc BVTV sau để phòng trừ: Iprovalicarb + Propineb(Melody duo 66.75WP), Kasugamycin (Bactecide 20AS, 60WP), Mancozeb (Penncozeb 80 WP), Mancozeb  + Metalaxyl (Vimonyl  72 WP). Hoặc các gốc thuốc như: Azotropine , Defenconazol , Propineb.....

* Thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora)

- Triệu chứng: Trái bị nhiễm bệnh thường bị đổ sụp xuống và treo như những túi đầy nước.

- Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

  • Bệnh thối nhũn do Vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra
  • Bệnh phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Nguồn bệnh tồn tại trên các tàn dư cây trồng và xâm nhập qua vết thương.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Luân canh cây trồng khác họ
  • Trồng trên nền đất thoát nước tốt
  • Sử dụng màng phủ nông nghiệp và hệ thống tưới nhỏ giọt để hạn chế đất, nước bắn lên trái.
  • Khử trùng dao, kéo khi cắt tỉa lá và thu hoạch
  • Hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ bệnh thối nhũn hại ớt, có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất Kasugamycin, thuốc gốc đồng để phòng trừ.

Ngoài ra trên cây ớt còn các bệnh như : Lỡ cổ rễ , Bệnh đóm mắt cua , Bệnh phấn trắng , Bệnh sương mai, Bệnh giã sương mai , Bệnh thối rễ, Tuyến trùng rễ .... Các bệnh này xuất hiện thường xuyên trong suốt quá trình canh tác. Do vậy bà con cần chú ý thăm đồng và phòng trừ nhanh. 

6. Thu hoạch

Khi quả chuyển màu đỏ, ngắt nhẹ cả cuống, tránh làm gãy nhánh. Ở các lứa rộ thì có thể thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 1-2 ngày thu 1 lần. 

Danh mục tin tức