Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

KỸ THUẬT TRỒNG CÁC LOẠI RAU CẢI

Giới thiệu

Rau cải là loại rau dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn. Một số loại rau cải như: Cải bẹ xanh, cải bẹ vàng, cải ngọt, cải ngồng, cải thìa, cải đuôi phụng,…

* Thời vụ: Có thể trồng quanh năm, thích hợp thời tiết mát mẻ. Có 2 vụ chính là vụ Đông xuân (gieo từ tháng 8 – tháng 12) và Xuân hè (gieo từ tháng 2 – tháng 5).

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cải các loại

1. Chuẩn bị đất trồng

- Rau cải ưa đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất mùn, đất phù sa, đất giàu mùn, thoát nước tốt.

- Đất cày cuốc sâu, bón vôi rồi phơi ải ít nhất 7 ngày. Sau đó làm đất cho tơi xốp và sạch cỏ dại, lên luống rộng 1 – 1,2 m, cao 20 – 25cm, rãnh rộng 20 – 30cm. 

- Trước khi gieo 1 – 2 ngày  thì tiến hành bón lót. Sau đó đảo đều rồi lấp đất kín phân. 

2. Xử lý hạt giống

Hạt cải có thể gieo trực tiếp mà không cần ngâm ủ.

3. Gieo trồng

- Gieo hạt xuống đất rồi phủ lên 1 lớp đất mỏng (có thể trộn hạt với cát để gieo được đều hơn), sau đó phủ 1 lớp mỏng rơm rạ băm nhỏ hoặc tro trấu lên mặt luống để giữ ẩm cho đất và hạn chế rửa trôi hạt. Dùng ô doa tưới nước đủ ẩm.

- Nếu cấy cây con: Sau khi gieo khoảng 15 ngày có thể nhổ cây con đem trồng. Chọn những cây khoẻ, không có sâu bệnh. Trồng với khoảng cách khoảng 10 x 10cm. Trồng cây lúc chiều muộn hoặc buổi tối - Sau khi trồng cần tưới nước đẫm nước.

4. Chăm sóc

* Tưới nước: sau khi gieo trồng thường xuyên tưới ẩm cho rau. Nếu tưới rãnh sau khi mặt nước đã thấm nước đều phải tháo kiệt nước, không để đọng nước trên rãnh.

* Bón phân: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng phân bón cho thích hợp.

- Bón lót: Dùng vôi, phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh), phân lân, kali, đạm ure.

- Bón thúc: Bón thúc lần 1 (sau gieo 7 – 10 ngày, nếu cấy thì sau trồng từ 3 – 4 ngày) và bón thúc lần 2 khi cây có nhu cầu (sau gieo 15 – 20 ngày, nếu cấy thì sau khi trồng 7 – 8 ngày). Dùng phân đạm ure, kali, phân bón lá.

Lưu ý: 

- Đảm bảo thời gian cách ly phân đạm ure trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày.

- Các đợt bón thúc cần kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước cho rau.

5. Phòng trừ sâu bệnh

* Biện pháp canh tác:

- Trồng rau với mật độ thích hợp, tránh trồng quá dày vì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh.

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, lá bệnh, tiêu huỷ cây bị bệnh, dùng biện pháp thủ công ngắt bỏ trứng và sâu non của các loài sâu như: sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng…

- Trong mùa mưa cần làm vòm che bằng màng phủ nilon và phủ đất bằng rơm rạ để vừa che mưa vừa tránh đất bám lên cây dễ nhiễm các loại bệnh. Có thể trồng cải trong nhà lưới giúp cây phát triển khỏe và chống chịu bệnh tốt hơn.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi thời tiết, tình hình sinh trưởng cây trồng và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Sau một vài vụ trồng các loại rau cải nên luân canh vài loại rau màu khác.

Biện pháp hoá học:

Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có độ độc thấp, thời gian cách ly ngắn.

* Các loại sâu hại phổ biến

- Bọ nhảy: 

  • Đặc điểm nhận diện: bọ trưởng thành hình bầu dục, có màu đen bóng. Trên cánh cứng có 8 chấm xếp thành hàng dọc cánh và 2 gân sọc màu trắng hình vỏ củ lạc.
  • Đặc điểm gây hại: Bọ nhảy xuất hiện gây hại trên cải rất sớm, khoảng 5 ngày sau gieo. Gây hại chủ yếu ở giai đoạn 13 – 15 ngày sau gieo. Sâu non ăn rễ phụ, đục vào gốc và rễ chính làm cây sinh trưởng kém, nếu mật độ sâu cao có thể làm cây héo và chết nhất là khi cây đang còn nhỏ. Những con trưởng thành ăn lá non thành những lỗ tròn nhỏ khắp mặt lá. Chúng hoạt động nhiều trong các tháng mùa khô, mật độ giảm đi khi trời mưa nhiều.
  • Cách phòng trừ: Phun trừ khi mật độ gây hại cao bằng chế phẩm, BT, Vi-BT,... Do bọ nhảy ban ngày thường hoạt động mạnh nên rất khó trừ, ban đêm tuy ít hoạt động nhưng chúng thường tập trung ở giữa nõn cải nên ta sẽ tiến hành phun thuốc vào lúc chập tối thì sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao hơn.

- Sâu tơ: 

  • Đặc điểm nhận diện: Sâu non có màu xanh nhạt, kích thước nhỏ, hai đầu nhọn, thân phình to ở giữa. Sâu trưởng thành có kích thước tương đối.
  • Đặc điểm gây hại: sâu non mới nở đục lá tạo thành rãnh, ở tuổi lớn sâu tơ ăn toàn bộ biểu bì khiến lá bị thủng lỗ chỗ. Mật độ cao sâu ăn hết thịt lá chỉ còn trơ lại gân lá làm giảm năng suất rõ rệt. Sâu tơ gây hại quanh năm, thường nặng nhất là vụ Đông xuân.
  • Cách phòng trừ: Dùng thuốc gốc BT như Delfin, Dipel, Aztron, Biocin hoặc dùng các loại thuốc như Vi-BT 32000WP, Bitadin WP, Dibamec 1.8EC, ...

- Sâu xanh bướm trắng: 

  • Đặc điểm nhận diện: bướm có thân màu đen, hai cánh trắng, đỉnh cánh có vết đen hình tam giác. Trứng màu hơi vàng, sâu non màu xanh lục, trên lưng có những điểm đen nhỏ, hình ống tròn ở giữa phình to.
  • Đặc điểm gây hại: Sâu non mới nở thường tập trung thành từng cụm, gặm chất xanh của lá rau và để lại màng lá trắng mỏng. Khi lớn chúng phân tán, gặm thủng lá rau và ăn kiệt chỉ còn gân lá. Vì vậy nếu để mật độ cao thì ruộng rau sẽ bị trơ trụi, xơ xác. Sâu xanh bướm trắng phát sinh gây hại quanh năm, trong đó có 2 đợt gây hại chính là vụ xuân (tháng 3 – tháng 6) và vụ đông (tháng 10-11).
  • Cách phòng trừ: Dùng thuốc gốc BT như Delfin, Dipel, Aztron, Biocin hoặc dùng các loại thuốc như Vi-BT 32000WP, Bitadin WP, Dibamec 1.8EC, ...

- Sâu xám: 

  • Đặc điểm nhận diện: Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ.
  • Đặc điểm gây hại: ban ngày sâu thường ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây hoặc mặt dưới của lá. Vào ban đêm, chúng chui lên ăn lá non hoặc gặm xung quanh thân cây cải non. Sâu thường phá hoại nặng ở giai đoạn cây con. Ruộng hoa màu bị sâu xám gây hại sẽ có hiện tượng lá bị đục lỗ chỗ, mật độ cây giảm, dẫn đến thiệt hại nặng về năng suất.
  • Cách phòng trừ: dùng thuốc có hoạt chất Lufenuron (Match 050EC, Lufenron 050EC), hoạt chất Indoxacarb (Ammate 150SC), hoạt chất Permethrin (Pounce 1.5G).

* Các loại bệnh hại phổ biến

- Bệnh chết thắt cây con:  

  • Triệu chứng: do nấm Rhizoctonia solani và Pythium ultinum gây ra. Cổ thân cây con bị úng và teo tóp lại, cây bị ngã ngang nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau đó mới héo lại. Bệnh thường tấn công mạnh vào 5-10 ngày sau khi gieo. Rễ bị thối và thường có màu nâu đỏ. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng và ẩm.
  • Điều kiện phát sinh, phát triển: Nấm và vi khuẩn tấn công từ giai đoạn cây con cho đến khi thu hoạch nhưng gây hại nhiều nhất là giai đoạn cây con.
  • Cách phòng trừ: dùng chế phẩm sinh học EMINA-P, khi bệnh nhiều có thể sử dụng các loại thuốc chuyên trị nấm như Daconil, Ridomil Gold 68WP, Aliette…

- Bệnh sương mai: 

  • Triệu chứng: do nấm gây ra ở điều kiện nhiệt độ thấp (20-22 độ C) cùng với đó là thời tiết mưa phùn hoặc sương muối, bệnh sẽ bùng phát và lây lan mạnh. Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho đến khi cây lớn. Trên lá mầm và các lá thật của cây con xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc hình dạng bất định màu vàng nâu, trên đó có lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Vết bệnh ở dưới mặt lá được bao phủ một lớp trắng xốp như sương. Sau một thời gian vết bệnh khô lại, có màu nâu hoặc đen. Các vết bệnh lan rộng liên kết với nhau thành mảng cháy lớn trên lá, lá vàng và rụng. Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ (10-15 ºC) và ẩm ướt. Nấm bệnh tồn tại trên hạt giống, tàn dư cây trồng, dụng cụ làm vườn….
  • Cách phòng trừ: dùng Daconil 500SC, Antracol 70WP, Aliette 800WG, Melody duo 66.75WP

- Bệnh thối thân: 

  • Triệu chứng: vết bệnh xuất hiện ở phần thân gần đất, sau đó lan đến lá bị khô, cây gục xuống và chết, trong thân mô cây bị thối nhũn. 
  • Cách gây hại: bệnh làm chết cây từ giai đoạn cây con ở vườn ươm cho tới cây ở ngoài đồng ruộng; nhất là những ruộng gieo trồng với mật độ cây dày, ruộng thấp trũng dễ ngập, ruộng trồng rau chuyên canh trong nhiều vụ, nhiều năm liên tục,…
  • Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát sinh phát triển mạnh ở đất trồng cải đã nhiễm bệnh vụ trước, ruộng không thoát nước. Điều kiện thời tiết nóng, ẩm và mưa nhiều thuận lợi cho bệnh phát triển. Những ruộng thoát nước kém, bón nhiều phân đạm, thiếu kali thường bị bệnh nặng hơn
  • Cách phòng trừ: Xử lý kịp thời khi vừa thấy dấu hiệu ruộng rau bị nhiễm khuẩn (tỷ lệ bệnh từ 5%) bằng các loại thuốc phòng trừ bệnh có hoạt chất Kasugamycin (Kasumin 2L, New Kasuran, Visen), Metalaxyl 95% (Alfamil 25 WP, Ridomil 240 EC, 5G), hoặc thuốc có gốc đồng (Copper-B 75WP, copper sulfat), Starner 20WP, Acstreptocin super 40TB,…

- Bệnh thối rễ (thối gốc, lỡ cổ rễ): 

  • Triệu chứng: Bệnh chủ yếu gây hại ở phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất. Khi mới xuất hiện, ta thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi của cây có màu thâm đen, từ từ cây sẽ héo dần và chết. Bệnh có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn. 
  • Điều kiện phát sinh, phát triển: bệnh xuất hiện khi đất bị dí chặt, tưới quá nhiều nước. Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Validamycin (Tung vali 3SL, 5SL, Valivithaco 3SC); Copper citrate: (Heroga 6.4SL),…; Trichoderma viride: (Biobus 1.00 WP); Copper citrate: (Heroga 6.4SL),…; Cytokinin: (Etobon 0.56SL); Trichoderma viride: (Biobus 1.00 WP)....

5. Thu hoạch

Sau khi gieo khoảng 25 – 30 ngày là có thể thu hoạch, tuỳ theo giống và nhu cầu người dùng

Danh mục tin tức