Khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng, thuộc họ bầu bí được ưa chuộng và trồng phổ biến tại Việt Nam. Khổ qua có chứa nhiều khoáng chất cũng như vitamin. Trong đó, vitamin C giúp tăng sức đề kháng, kháng viêm, ngăn ngừa, tiêu diệt tế bào ung thư.
Khổ qua F1 được hội tụ những ưu điểm vượt trội hơn so với các giống khổ qua cùng loài. Do đó hạt giống khổ qua sẽ có những đặc điểm dưới đây:
- Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, kháng bệnh héo rũ rất tố. Trái có màu xanh đậm, mai trái đầy và mọng. Phẩm chất ngon, giòn
- Trọng lượng trái khoảng 450-500gr, kích thước trái 33 x 6.5cm
- Thời gian từ gieo đến thu hoạch khoảng 62-65 ngày.
- Khoảng cách gieo trồng thích hợp 700 x 100cm (hàng đôi).
- Lượng hạt gieo trồng : 300-350gr/1000m2
Mật độ khoảng cách:
– Hàng cách hàng: 1.2-1.3m
– Cây cách cây : 0.6 m
– Khoảng : 1.300-1.400 cây (15 - 17 gói)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Qui trình và cách bón phân (Cho 1.000m2)
* Loại phân và lượng phân tùy theo loại đất và điều kiện từng vùng. Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm chúng tôi xây dựng được qui trình phân bón áp dụng rất hiệu quả cho nhiều vùng trồng Khổ qua (Mướp đắng) khác nhau để bà con tham khảo và áp dụng:
* Lượng phân:
Phân chuồng: 4 m3 | Super lân: 50 kg | Ure: 24 kg |
Vôi: 50 kg | NPK(16-16-8): 25 kg | DAP: 5 kg |
Nitrophoska: 25 kg | KCl: 26 kg |
|
* Cách bón :
a/ Bón lót toàn bộ phân chuồng (4m3), Super lân (50kg), NPK (10 kg), Nitrophoska(10kg), KCl (12.5kg)
b/ Bón thúc 10, 20 ngày sau gieo (NSG) : 3 kg Urê + 3 kg Nitrophoska + 2.5 kg DAP
c/ Bón thúc giai đoạn 30, 40 và 50 (NSG): 4 kg Urê + 3 kg Nitrophoska + 3 kg KCl
d/ Bón thúc giai đoạn 60, 70 và 80 (NSG): 2 kg Urê + 5 kg NPK + 1.5 kg KCl
Lưu ý:
- Vôi nên rãi cùng lúc cày bừa để tăng hiệu quả phân hóa học.
- Bón phân xa dần gốc theo tuổi cây, bón sâu 6 - 7 cm để tăng hiệu quả phân bón.
- Các lần bón phân nên kết hợp làm cỏ để tăng hiệu quả phân bón.
2. Bấm ngọn: Bà con muốn thu hoạch rộ thì khi cây có 6 - 7 lá thật nên bấm ngọn.
3. Bắt nhánh (chèo): Khi cây ra nhánh bà con nên bắt nhánh bám đều lên lưới (hoặc lên chà) theo dạng xương cá để tận dụng không gian của giàn, thuận lợi cho việc phòng trị sâu bệnh sau này và tăng khả năng đậu trái.
Các loại sâu bệnh và biện pháp phòng trị:
1. Bệnh vàng lá xoăn ngọn (do côn trùng chích hút truyền lan) gây hại phổ biến trong mùa năng:
Bệnh làm cho lá vàng trong khi gân lá vẫn xanh, lá ngọn nhỏ nhăn nhúm, thân cứng, bệnh lan truyền rất nhanh khi trên ruộng có côn trùng chích hút bà con phòng trị bằng cách: nhổ bỏ triệt để những cây bị bệnh đem chôn, xịt các loại thuốc trị côn trùng chích hút tập trung ở mặt dưới lá: Supracide, Regent, Actara ,Oshine, Sakura, …
2. Bệnh phấn trắng: Bệnh thường xảy ra lúc ẩm độ cao và nhiệt độ khoảng 22-27 oC, bệnh gây hại mạnh ở các vùng cao sương nhiều và trồng trong vụ đông xuân. Phòng trị bà con tỉa bỏ lá gần gốc và cành vô hiệu, xịt luân phiên các loại thuốc sau để phòng trị: Manage, Daconil, Dithane M-45, Suloc, Anvil, Titl supe, Eminent,… xịt 2 mặt lá vào chiều tối.
3. Bệnh đốm lá: Bệnh gây hại quanh năm, gây hại mạnh trong mùa mưa. Phòng trị bà con tỉa bỏ các lá gốc và xịt các loại thuốc sau vào 2 mặt lá: Aliette, Ridomil, Coc - 85, Topsin, Anvil, Dithane-M45,…
4. Sâu ăn tạp: Gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bà con xịt luân phiên các loại thuốc sau vào lúc chiều tối: Silsau, Ammate, Secure, Ammatte, Match,…
5. Nhóm chích hút: (Bọ trĩ, rầy, rệp..) hút nhựa cây và lây truyền bệnh virus, bà con nên xịt luân phiên các loại thuốc sau: Actara, Regent, Admire, Oncol, Sakura,… Xịt vào mặt dưới lá và trên ngọn cây.