Kỹ Thuật Trồng Bí Đao XANH Năng Suất Cao và Những Sâu Bệnh Hại Chính Trên Bí
Bí đao hay còn gọi là bí đao xanh (bí sặt) là loại cây rau mùa hè, có khả năng cất trữ bảo quản lâu trong điều kiện nhiệt độ thường.
Thời vụ
Bí đao chính vụ được trồng từ tháng 12 năm trước và đến đầu tháng 3 năm sau. Tuy nhiên bí đao có thể trồng ở vụ đông từ tháng 9 đến đầu tháng 10, kỹ thuật trồng bí đao trái mùa không khó, năng suất bí vụ đông không cao như trồng chính vụ nhưng bán được giá nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Vụ đông có thể gieo trồng từ 1/9 – 5/10 hàng năm trên chân mạ mùa, đậu tương hè, lúa mùa sớm. Tuy nhiên, nếu gieo trồng sớm từ 1- 20/9 thì sẽ cho năng suất cao và ổn định hơn.
Kỹ thuật ngâm ủ hạt
Ngâm hạt trong nước lã sạch từ 4 – 6 giờ, đãi sạch nước chua. Trộn lẫn với cát tỷ lệ: 1 hạt/3 – 4 cát, gói kín trong vải xô ủ kín, ngày dấp nước 2 lần, khoảng 1 – 2 ngày hạt nứt nanh, đem gieo thẳng hoặc gieo trong khay nhựa, vỉ xốp, bầu nilon.
Hoặc ngâm hạt giống trong nước ấm 2 sôi : 3 lạnh từ 2 – 3 giờ. Sau đó vớt ra rửa sạch nhớt trên vỏ hạt, để ráo rồi đem ủ vào khăn ẩm đến khi thấy hạt nứt nanh thì đem gieo. Hằng ngày kiểm tra độ ẩm của bọc vải và phun nước nếu thấy khô. Lưu ý tưới ẩm vừa phải. Khoảng 2 ngày hạt sẽ nứt nanh.
Làm bầu
Đất làm bầu là hỗn hợp phân chuồng (hoặc mùn mục) trộn đất phù sa (hoặc đất bùn ải) tỷ lệ 1:1. Bón thêm 1kg urê + 1,5 kg lân, 1,5 kg kali cho 1000kg hỗn hợp đất làm bầu trên. Có điều kiện nên xử lý hỗn hợp bằng một số loại thuốc trừ nấm trước khi đưa hạt vào khoảng 10 ngày.
Sử dụng túi nylon (phải cắt 2 góc phía dưới để dễ tiêu thoát nước), lá chuối, hoặc khay kích thước tuỳ theo thời gian đưa ra ruộng để đựng hỗn hợp làm bầu. Nếu trồng nhiều có thể làm như làm bầu ngô. Khi gieo hạt xong phải phủ một lớp đất mỏng kín hạt, sau đó phủ một lớp trấu mục hoặc mùn mục, tưới đều 5-7 ngày cho hạt mọc đều. Khi cây bắt đầu có lá thật đưa ra ruộng là tốt nhất.
Làm đất
Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Cách ly khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện từ 1- 2km. Không tồn dư hóa chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn là rau an toàn cho người tiêu dùng.
Bí xanh có thể trồng xen, trồng riêng biệt do vậy cách làm đất có khác nhau. Sau khi thu hoạch cây trồng phụ thì làm đất bổ sung vun luống chính thức cho bí. Kích thước luống bí phụ thuộc vào việc làm giàn cho cây.
Mật độ trồng:
+ Bí đao trồng giàn. Có 2 loại hàng đơn và hàng đôi:
Hàng đơn: Hàng cách hàng 2.4-2.5 m. Cây cách cây 0.5-0,6 m .
Hàng đôi: Hàng cách hàng là 4,8- 5m . Cây cách cây 05-0.6 m.
Mật độ cây từ 700-830 cây/1.000 m2
Phía Nam có thể trồng dày hơn, cây cách cây 0.45-0,5 m
+ Bí đao trồng bò đất: Khi trồng bò đất nông dân thường chọn trồng hàng đôi thì sẽ trồng với khoảng cách như bò giàn hàng đôi.
Bón phân
Lượng phân bón cho 1 sào (500 m2) bí xanh như sau: Phân chuồng hoai mục 6 – 7 tạ, đạm urê 7 – 8kg, kaliclorua 6 – 8kg, supe lân Lâm Thao 12 – 15kg. Đất chua (độ pH <5) bón thêm 20 – 25kg vôi bột khi bừa ngả. Có thể dung phân NPK 15-15-15, NPK 16-16-8 , NPK 20-20-15, NPK 16-8-34.
Chăm sóc
Khi cây có 2-3 lá thật, xới phá váng, kết hợp bón thúc, vun nhẹ cho cây. Bón thúc lần 2 cây có bắt đầu ngả ngọn bò hoặc leo giàn, xới rộng, sâu kết hợp bón thúc 25% đạm + 25% kali cho cây. Bón thúc lần 3 khi đậu quả rộ bón nốt lượng phân còn lại. Có thể dung phân bón qua lá nhu MAP 12-61 và bô sung phân magnisal và multi miccomb ….
Khi dây dài 50cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1 - 2 đốt lại chặn để tranh thủ cho cây bí ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, cứ 3 - 4 ngày lại chặn 1 lần, phải hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới nương dây cho leo giàn. Khi nương dây cho leo giàn cần để dây ở tư thế tự nhiên, không lật úp hoặc vặn dây.
Dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn vào giàn. Chú ý buộc ở phía nách lá. Bắt dây chéo cho đều giàn và khỏi che rợp hoa quả. Giàn cắm chéo như mái nhà để tranh thủ không gian, tận dụng hợp lý ánh sáng. Mỗi cây để 1 – 2 nhánh chính. Đặt cho cuống quả nằm đúng vào chỗ giao nhau của 2 cây dóc để khi quả lớn không xô dây, tụt giàn. Với ruộng bí không làm giàn thì cần phải lót rơm rạ để tránh quả tiếp xúc trực tiếp với đất.
Giai đoạn bí chuẩn bị ra hoa, ra nụ cái thì phun phân Multi MKP 0-52-34 để tạo nhiều trái. Và khi cây bí chuẩn bị ra hoa thì phun thêm Multi K 13-0-46 để kích thích ra hoa đồng loạt.
Phòng trừ sâu bệnh
Biện pháp sinh học: Khai thác và sử dụng những sinh vật có lợi (thiên địch, kẻ thù của sâu hại), các sản phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây.
- Bảo vệ thiên địch
+ Các loài bọ rùa ăn rệp, ăn sâu hại
+ Các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại
+ Các loài kiến, bọ cánh cứng, nhện,…ăn sâu hại
- Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc:
+ Các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu ăn lá, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium,…
+ Thuốc thảo mộc Azadirachtin , Rotenone, Saponin, Matrine,… được dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.
+ Nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh trong đất
+ Các hoạt chất có nguồn gốc sinh học: Abamectin, Emamectin benzoate,Validamycin,…
Biện pháp hoá học: Sử dụng các chất hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cây, chỉ nên sử dụng những loại thuốc sau trong trường hợp cần thiết :
- Các loại thuốc chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường
- Các loại thuốc nhanh phân hủy
- Các loại thuốc nhóm độc thấp (nhóm 3, 4)
- Áp dụng biện pháp xử lý hạt giống và cây con
- Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng:
1. Đúng lúc: phun lúc sâu non tuổi nhỏ, vết bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn sinh trưởng của cây. Phun sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa,…
2. Đúng thuốc: cho từng đối tượng dịch hại, luân phiên các loại thuốc,…
3. Đúng cách: Thực hiện thao tác pha-phun đúng hướng dẫn của từng loại thuốc,…
4. Đúng liều lượng, nồng độ: theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc (về lượng dùng, lượng nước pha).
NHỮNG SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN BÍ
1) Ruồi đục lá (Liriomyza sativae) Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường có mật độ cao ở thời kỳ cây ra hoa rộ-quả, vào tháng 3-5 và 9-11 trong năm.
2) Sâu ăn lá (Diaphania indica): thường có mật độ cao khi cây sinh trưởng tốt sau trồng 25-30 ngày, chúng hại búp, lá non. Gây hại chính ở vụ xuân hè và thu đông sớm.
3) Rệp (Aphis craccivora Koch): Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trong năm thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 9-11 trong năm.
4) Bọ trĩ (Thrip spp.) Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Trong năm chúng thường có mật độ cao vào các tháng 3-5 (vụ xuân hè) và tháng 9-11 (vụ thu đông)
Phòng trừ sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần phun các loại thuốc: Elincol 12 ME, Vertimex 1.8EC; Sherpa 25EC, Trebon 30EC (trừ sâu ăn lá), Confidor 100SL, Oshin 20WP, Elsin 10EC (trừ các loại chích hút), …
5. Bệnh héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum Smith): Gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây nhưng nghiêm trọng nhất là thời kỳ hoa - quả và bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 25-300C. Bó mạch thâm nâu, cây không hút được nước, héo và chết.
6. Bệnh giả sương mai (Pseudoperonospora cubensis): Bệnh phát sinh nặng trong điều kiện nhiệt độ dưới 200C ẩm độ không khí cao. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên dưa chuột vụ thu đông và xuân hè sớm.
7. Bệnh phấn trắng (Erysiphe sp): Bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.
8. Bệnh khảm lá (Cucumber mosais virus): do virut gây hại, nếu bị bệnh từ khi cây còn nhỏ, cây còi cọc lá xoăn nhỏ và thường không ra quả. Bệnh do côn trùng chích hút truyền bệnh chủ yếu là rệp, bọ trĩ, lây từ cây bệnh sang cây khoẻ. Phải trừ môi giới truyền bệnh.
Phòng trừ bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy. Khi cần thiết phải phun thuốc:- Phòng trừ bệnh héo xanh: Phun hoặc tưới gốc định kỳ bằng thuốc Funguran-OH 50WP, hoặc các thuốc gốc đồng để ngừa bệnh, Exin 4.5 HP (Phytoxin VS), Bactocide,…
- Các thuốc trừ bệnh sương mai, phấn trắng: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Tilt Super 300EC, Bellkute 40WP. Ensino 40 SC, Binhnomyl 50WP, Manage 5WP,...
Thu hoạch
Khi quả được 50-60 ngày tuổi là thu hoạch được. Bí non có thể thu ở giai đoạn 25-35 ngày tuổi (sau khi đậu). Thu vào sáng sớm, cần nhẹ nhàng tránh bị xây xát. Quả già thu về có thể xếp thành hàng, lớp để nơi thoáng mát bảo quản. Có thể bảo quản trong vòng 1 tháng mà không ảnh hưởng lớn đến chất lượng.